Advertisement 1a
Khai thác đất trái phép tại Quảng Trị: Vì đâu nên nỗi? – Tạp chí Kinh tế quốc tế

Khai thác đất trái phép tại Quảng Trị: Vì đâu nên nỗi?

Tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu đất đắp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang khiến các nhà thầu chới với còn các dự án thì liên tục bê trễ tiến độ. Hệ lụy của tình trạng này còn là hoạt động khai thác đất trái phép diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn Tỉnh.

Nguồn cung vật liệu san lấp tại Quảng Trị khan hiếm dẫn đến tình trạng khai thác trái phép diễn biến phức tạp. Ảnh: Hà Minh
Nguồn cung vật liệu san lấp tại Quảng Trị khan hiếm dẫn đến tình trạng khai thác trái phép diễn biến phức tạp. Ảnh: Hà Minh

Liên tục khai thác trái phép

Cuối tháng 1/2024, tại xã Linh Trường, huyện Gio Linh xảy ra vụ việc đào lấy đất trái phép khoảng 23.000 m3 chở đến Dự án Khu tái định cư xã Linh Trường (Dự án tái định cư phục vụ cao tốc Bắc – Nam phía Đông) để san nền. Đơn vị khai thác là Công ty TNHH Nam Bến Hải, một trong hai nhà thầu thi công dự án tái định cư này. Huyện Gio Linh đã phạt vi phạm hành chính 45 triệu đồng đối với ông Nguyễn Vĩnh (người bán đất trái phép), đồng thời tiến hành xử lý nhà thầu dùng vật liệu không có hóa đơn, chứng từ. Dẫu vậy, đến nay, mới chỉ có người bán đất bị xử lý, phía nhà thầu chưa có ai chịu trách nhiệm.

Cũng tại huyện Gio Linh, Công ty CP Golf Quảng Trị đã thuê máy xúc và xe tải đào khoảng 700 m3 đất trái phép trên phần diện tích mà Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Hà thực hiện Dự án Khu Aquatica – Cửa Việt Beach and Golf resort. Vụ việc đã được huyện Gio Linh báo cáo UBND Tỉnh để có phương án xử lý đúng quy định.

Khi những vụ việc trên chưa được xử lý dứt điểm, thì ngày 11/3, Công an tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát hiện vụ khai thác gần 10.000 m3 đất để san lấp trái phép tại thôn Linh Hải, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Trị kiểm tra đột xuất hiện trường mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong. Mỏ đất này được UBND Tỉnh cấp cho Công ty TNHH Xây dựng Mạnh Linh khai thác làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, Công ty chưa hoàn thành các thủ tục đã tiến hành khai thác khoảng 2.000 m3 đất.

Do thủ tục đấu giá?

Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện địa phương đã quy hoạch 66 mỏ đất làm vật liệu san lấp mặt bằng và đã tiến hành đấu giá 27 mỏ khai thác, có 16 mỏ đã có kết quả trúng đấu giá. Cho đến nay, có 10 mỏ đất làm vật liệu san lấp trúng đấu giá (khoảng 11,845 triệu m3 ) nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò nhưng chỉ có 3 mỏ vật liệu đạt yêu cầu và được khai thác.

Đại diện Công ty CP Trường Danh (trụ sở tại huyện Gio Linh) cho biết, năm 2022, Công ty trúng đấu giá mỏ đất ở thôn Phong Bình 1, xã Phong Bình, huyện Gio Linh với mức giá trên 30 tỷ đồng/25 ha, được chuyển đổi từ đất lâm nghiệp để phục vụ các dự án đang thi công. Tuy nhiên, do không thể thỏa thuận được đền bù với hơn 20 hộ dân, giải phóng mặt bằng (GPMB) bị ách tắc nên Công ty đã bỏ cuộc, kết quả đấu giá bị hủy.

Ông Trương Mạnh Linh (Công ty TNHH Mạnh Linh) cho biết, mỏ đất Công ty trúng đấu giá có diện tích khoảng 30 ha, trữ lượng 4,467 triệu m3, thời gian khai thác trong vòng 10 năm. Để được cấp quyền khai thác, Công ty đã bồi thường 9 tỷ đồng, thực hiện GPMB khoảng 15 ha; nộp 8,1 tỷ đồng tiền ký quỹ trong hoạt động khai thác mỏ và các lệ phí khác. “Nhiều bước đã được xử lý nhưng cơ quan chức năng vẫn báo thiếu thủ tục. Vì tiến độ các gói thầu đang thi công, nhà thầu đành… khai thác trước, bổ sung sau”, ông Linh cho biết.

Theo tìm hiểu, quy định doanh nghiệp, cá nhân trúng đấu giá phải tự thỏa thuận với người dân đền bù, GPMB để được cấp quyền khai thác điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp rất khó khả thi vì người có đất “hét” giá quá cao, khai thác là lỗ. Cùng với đó, sau khi trúng đấu giá, phải nộp tiền một lần trước khi cấp phép nên nhiều đơn vị trúng đấu giá không đủ năng lực tài chính, đành bỏ cuộc.

Để khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp, Sở TN&MT cho biết đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị 2 phương án: khoanh định khu vực, cấp không đấu giá mỏ đất san lấp phục vụ các dự án phát triển hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi, thủy điện, khắc phục thiên tai, xây dựng nông thôn mới; cho phép cải tạo mặt bằng đất ở, cải tạo đất nông nghiệp và tận dụng đất làm vật liệu san lấp.

Về giải pháp lâu dài, theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, phải đẩy nhanh công tác quy hoạch, cấp quyền khai thác mỏ đất, nhất là phải rút ngắn và đơn giản các thủ tục. “Từ quy hoạch, thăm dò trữ lượng, đấu giá, bồi thường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, cấp đất và trồng rừng thay thế, đến cấp giấy phép khai thác mất từ 1 – 2 năm, nhiều nơi cần 3 năm mới hoàn thành việc cấp phép là quá dài. Vì vậy, Tỉnh đang kiến nghị Trung ương giao cho HĐND Tỉnh có thẩm quyền điều chỉnh các quy định liên quan đấu giá, cấp phép khai thác mỏ vật liệu linh hoạt, phù hợp thực tế của địa phương”, ông Đồng chia sẻ.