Advertisement 1a
TS. Võ Trí Thành: Vượt ‘sang chấn’ của thị trường tài chính, kinh tế Việt Nam 2024 dần tốt lên nhưng vẫn còn 1 vấn đề lớn – Tạp chí Kinh tế quốc tế

TS. Võ Trí Thành: Vượt ‘sang chấn’ của thị trường tài chính, kinh tế Việt Nam 2024 dần tốt lên nhưng vẫn còn 1 vấn đề lớn

2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn nước rút cho kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Hơn nữa, TS. Võ Trí Thành cho biết, “Đây là năm, là thời điểm với cơ hội hiếm có nếu các nhà đầu tư không tranh thủ chớp lấy để tham gia vào các chuỗi cung ứng giá trị cao, góp phần tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế”.

Nói về mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao, công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển vào năm 2045, TS. Võ Trí Thành nhận định: “Việt Nam đang có nhiều cơ hội, lợi thế nhưng cũng phải cạnh tranh rất lớn. Trong lịch sử cải cách, Đổi mới của Việt Nam, cứ lúc khó thì lại có những bước chuyển mình, đột phá mới. Mặc dù thời gian còn lại ngắn, Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu khi biết nắm bắt thời gian và cơ hội.”

TS. Võ Trí Thành: Vượt ‘sang chấn’ của thị trường tài chính, kinh tế Việt Nam 2024 dần tốt lên nhưng vẫn còn 1 vấn đề lớn- Ảnh 1.

Kinh tế Việt Nam đã bước qua hơn 2 tháng của năm 2024, nhìn lại bức tranh toàn cảnh, theo ông, đâu là điểm sáng đáng chú ý?

Từ năm 2022 đến nay, kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đầu tiên, thị trường tài chính, tiền tệ đã có chuyển biến tốt hơn. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam đứng trước những áp lực vô cùng lớn về tỷ giá, lãi suất, lạm phát, thanh khoản cùng sang chấn của thị trường tài chính.

Sang năm 2023 và cho đến nay, tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, áp lực về tỷ giá, lãi suất cơ bản giảm đáng kể, tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành và sẽ giữ nguyên trong 6 tháng đầu năm 2024. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có chuyển biến ổn hơn dù chưa được như kỳ vọng.

Cùng với đó, nhiều chiều cạnh của tổng cầu dần có những dấu hiệu tích cực hơn. Trong đó, xuất khẩu từ mức tăng trưởng âm rất lớn (-11,9% quí I/2023) chỉ còn -4,4% cho cả năm 2023; đặc biệt trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng tới 19,2% so cùng kỳ.

TS. Võ Trí Thành: Vượt ‘sang chấn’ của thị trường tài chính, kinh tế Việt Nam 2024 dần tốt lên nhưng vẫn còn 1 vấn đề lớn- Ảnh 2.

Đằng sau đó là ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng xuất hiện nhiều dấu hiệu phục hồi: Từ mức tăng trưởng -0,4% quí I/2023 lên 3,6% cả năm 2023; riêng 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,9%.

Một chỉ số nữa cho thấy tín hiệu tích cực của sản xuất công nghiệp là PMI. Gần như tất cả tháng năm 2023 (trừ tháng 2 và tháng 8), PMI đều thấp hơn 50, nhưng 2 tháng đầu năm 2024 đã vượt 50.

Bên cạnh yếu tố sản xuất – xuất khẩu, đầu tư nước ngoài FDI và đầu tư công cũng đã có thành tích đáng chú ý. Cụ thể, tiếp tục đà tăng từ nửa cuối năm 2023, cả mức cam kết và giải ngân FDI tăng rất mạnh trong 2 tháng đầu năm. Cam kết và thực hiện FDI năm 2023 là 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% và 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%; các con số tương ứng 2 tháng đầu năm 2024 là 4,3 tỷ USD, tăng 38,6% và 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%.

Còn về đầu tư công, năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt mức nhiều người vào đầu năm không tin, đạt 676.000 tỷ VNĐ, bằng 95% kế hoạch, cao hơn 146.000 tỷ VNĐ so năm 2022. Sang 2024, giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ ngay từ những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, còn một vấn đề lớn vẫn đang tồn tại, là niềm tin của thị trường và nhà đầu tư. Trong năm 2023, đầu tư tư nhân chững lại, con số thống kê danh nghĩa có tăng chút, nhưng khi loại trừ yếu tố giá thì thực chất là giảm ít nhiều.

Không chỉ vậy, theo dữ liệu thống kê, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2/2024 vẫn ở mức âm (-1,1%). Hơn nữa, thị trường bất động sản có “nhích” (giao dịch và thanh khoản) nhưng nhìn chung chưa phục hồi rõ.

Đặc biệt, một động lực để duy trì đà tăng trưởng là tiêu dùng có mức tăng thực ngày càng giảm. Cả năm 2023, tổng mức bán lẻ tăng 7,1%, giảm đáng kể so với mức tăng 10,4 quí I/2023; con số này 2 tháng đầu năm 2024 còn khoảng 5,0%. Lưu ý là mức tiêu dùng từ năm 2023 còn được hỗ trợ phần nào bởi du khách nước ngoài vào Việt Nam tăng khá mạnh.

Tóm lại, bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng, những điểm khó có xu hướng chuyển biến tích cực hơn, nhưng niềm tin thị trường và phần nào tiêu dùng là yếu tố còn quan ngại.

TS. Võ Trí Thành: Vượt ‘sang chấn’ của thị trường tài chính, kinh tế Việt Nam 2024 dần tốt lên nhưng vẫn còn 1 vấn đề lớn- Ảnh 3.
TS. Võ Trí Thành: Vượt ‘sang chấn’ của thị trường tài chính, kinh tế Việt Nam 2024 dần tốt lên nhưng vẫn còn 1 vấn đề lớn- Ảnh 4.

Đúng là bên cạnh những điểm sáng, thì nhìn chung nhận định của các chuyên gia và cả các tổ chức quốc tế cũng đều cho rằng 2024 sẽ là một năm còn khó. Niềm tin thị trường, có thể được củng cố hơn như thế nào trong bối cảnh khó khăn như vậy?

Đúng như tôi đã chia sẻ, có thể thấy rất rõ, cho đến hiện tại, niềm tin thị trường, với chuyển động thị trường bất động sản hay với đầu tư tư nhân, đang chững lại. Điều này là bởi 2 lý do.

Một là, một nền kinh tế mở như Việt Nam chịu nhiều tác động từ môi trường quốc tế, hiện thường được nói với ba chữ “bất”: bất ổn, bất thường, bất định. Một lý do nữa đến từ nội tại của nền kinh tế, điển hình là những biến động trên thị trường tài chính – tiền tệ.

Cũng phải nói, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, Việt Nam về cơ bản vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, kinh tế vĩ mô vẫn đang đối diện với thách thức lớn trong hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Cụ thể, Việt Nam vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô với mức lạm phát phải tương đối thấp, tỷ giá hạn chế “nhảy nhót” và có được cán cân thanh toán quốc tế lành mạnh.

Hơn nữa, đó còn là sự lành mạnh của thị trường tài chính, thị trường vốn như thị trường trái phiếu và cả thị trường tiền tệ. Thực tế, hiện nay, áp lực tỷ giá của chúng ta giảm nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Cụ thể, chênh lệch lãi suất đồng Việt Nam và lãi suất đồng USD rất cao, nhất là trên thị trường liên ngân hàng.

Hay câu chuyện tăng cung tiền, tăng cung tín dụng, nếu kiểm soát kém thì nợ xấu tăng. Thực tế nợ xấu từ năm 2023 đến nay vẫn có xu hướng tăng (dù chúng ta giữ chuẩn cho vay).

Hơn nữa, hệ thống ngân hàng cũng chưa phải đã thực sự ổn. Trong khi nhiều ngân hàng đạt chuẩn Basel II, thì vẫn còn đó các ngân hàng chưa đủ lành mạnh, thậm chí thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Chúng ta đã có chương trình tái cấu trúc ngân hàng từ năm 2012, và đến nay lại có một chương trình như vậy cho giai đoạn 2021-2025; đó là cả một quá trình gian nan đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.

TS. Võ Trí Thành: Vượt ‘sang chấn’ của thị trường tài chính, kinh tế Việt Nam 2024 dần tốt lên nhưng vẫn còn 1 vấn đề lớn- Ảnh 5.

Nói chung, chúng ta cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, bám sát thời cuộc, hiểu rõ các mục tiêu cũng như nội tại nền kinh tế. Điều này có thể hiểu, trong từng giai đoạn, thời điểm chúng ta có những cách giải quyết khác nhau với trọng số ưu tiên khác nhau.

Ví dụ, năm ngoái chúng ta nói ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Thế còn năm nay, trong vòng sáu tháng đầu năm nay, chúng ta không thay đổi lãi suất điều hành, hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này thể hiện trọng số trong mục tiêu phát triển có thể du di. Cách ứng xử chính sách vĩ mô cùng là một nhân tố ảnh hưởng tới cách tiếp cận trong sản xuất kinh doanh và quản trị rủi ro của doanh nghiệp.

TS. Võ Trí Thành: Vượt ‘sang chấn’ của thị trường tài chính, kinh tế Việt Nam 2024 dần tốt lên nhưng vẫn còn 1 vấn đề lớn- Ảnh 6.

Năm 2024, ông kỳ vọng những lĩnh vực nào có thể tăng trưởng tích cực?

Lĩnh vực đầu tiên thấy rõ sự tăng trưởng tốt của nông nghiệp. Một số nông sản có sức bật tốt là gạo, thanh long, sầu riêng. Điều này có được là nhờ những thị trường xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tiêu dùng tăng trở lại. Trong đó, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Khi thị trường Trung Quốc tốt lên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng sẽ tốt theo.

Sau nông nghiệp là công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục có triển vọng tăng trưởng tích cực hơn; đơn hàng của một số ngành đã tăng trở lại, đơn cử như dệt may. Năm nay, dệt may đặt mục tiêu có giá trị xuất khẩu như mức năm 2019.

Bên cạnh đó, một lĩnh vực đang được nhiều người kỳ vọng ấm trở lại là bất động sản. Hiện nay, một nhóm cho rằng bất động sản có thể “hửng nắng” hơn vào cuối năm nay, một nhóm khác thì bi quan hơn chút, cho rằng phải sang 2025. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn vừa rồi, vẫn có một phân khúc tăng trưởng tốt, như bất động sản công nghiệp.

TS. Võ Trí Thành: Vượt ‘sang chấn’ của thị trường tài chính, kinh tế Việt Nam 2024 dần tốt lên nhưng vẫn còn 1 vấn đề lớn- Ảnh 7.

Trong giai đoạn tới, nhiều ý kiến quan ngại về việc những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế như nhân lực giá rẻ, đất đai và ưu đãi thuế sẽ dần bị triệt tiêu. Theo ông, các lợi thế cạnh tranh mới của kinh tế Việt Nam đang được hình thành như thế nào và triển vọng ra sao?

Trong 5 – 7 năm trở lại đây, lợi thế cạnh tranh thu hút FDI được gắn chặt chẽ với xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và xu hướng phát triển của kinh tế số, kinh tế xanh. Điều này được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh địa chính trị có sự biến động.

Cốt lõi về lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, có 3 nhóm yếu tố cần đặc biệt quan tâm. Đầu tiên là những yếu tố truyền thống, như là sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, rồi lợi thế so sánh như chi phí nhân công, có kết nối tốt như nhiều FTA, vị trí địa lý thuận lợi, và chi phí giao dịch thấp (đặc biệt liên quan đến môi trường kinh doanh và quy trình hành chính).

Tiếp theo là khả năng bắt kịp xu thế. Thực tế, bên cạnh lợi thế so sánh…, các nhà đầu tư còn đặc biệt quan tâm đến năng lực công nghệ, môi trường số, xanh, mức cung ứng lao động chất lượng cao và khả năng thu hút chuyên gia, tài năng toàn cầu.

Cuối cùng, cũng rất quan trọng là khả năng chống chịu của nền kinh tế, và nhất là niềm tin đối tác, có đủ ổn định, có đủ tin cậy trước những cạnh tranh và biến động của địa chính trị toàn cầu.

Nhìn tổng thể, Việt Nam đang có những lợi thế nhất định trong thu hút FDI, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược. Tất nhiên, cạnh tranh giữa các nước trong khu vực và trên thế giới là rất lớn và chúng ta còn phải nỗ lực hơn nữa để tạo sự hấp dẫn thực sự cho các dòng vốn, dòng đầu tư chất lượng. Con số về thu hút dòng vốn FDI năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đã phần nào thể hiện nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đặt sự quan tâm lớn đến Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 3 năm liên tiếp đạt dưới mục tiêu bình quân chung Kế hoạch 5 năm 2021-2025 (6,5 – 7%) và cả Chiến lược 10 năm 2021-2030 (khoảng 7%). Vậy cơ hội nào để Việt Nam có thể tạo bước ngoặt cho kinh tế trong năm 2024, để đạt được mục tiêu của nhiệm kỳ này và làm nền tảng cho 2025-2030?

TS. Võ Trí Thành: Vượt ‘sang chấn’ của thị trường tài chính, kinh tế Việt Nam 2024 dần tốt lên nhưng vẫn còn 1 vấn đề lớn- Ảnh 8.

Giai đoạn 2021-2025, Việt Nam đã phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong lịch sử. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn tạo ra động lực tăng trưởng mới để tạo sức bật cho nền kinh tế. Có những điều chúng ta không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn có một số mục tiêu đạt được thành tích tốt trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, bài toán tăng trưởng trung bình 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025 vẫn vô cùng thách thức. Như số liệu đã công bố, tăng trưởng năm 2021 thấp do đại dịch toàn cầu, chỉ đạt 2,58%, năm 2022 tăng trưởng đạt 8,02%, còn năm 2023 đạt 5,05%. Như vậy, theo kế hoạch 5 năm, tăng trưởng 2024 và 2025 phải trên khá nhiều 8%/năm, đây là con số rất cao trong điều kiện hiện nay.

Nói về kế hoạch giai đoạn 2025-2030, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Tôi tin chắc chắn chúng ta sẽ đạt được điều này. Bởi vì, GDP đầu người năm 2023 của Việt Nam đã trên 4.284 USD, tiệm cận đến ngưỡng nền kinh tế thu nhập trung bình cao.

Vấn đề đang lo ngại là chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề tăng năng suất lao động và đóng góp của năng suất. Cụ thể, mức tăng năng suất lao động trong 3 năm trở lại đây đều dưới 5%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu (trên ít nhất 6,5%) và kỳ vọng.

Để đẩy năng suất lao động, công nghệ và kỹ năng là những yếu tố vô cùng quan trọng. Theo đó, chúng ta cần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung cho nỗ lực đổi mới sáng tạo và cải cách giáo dục, đào tạo, quyết tâm, quyết liệt làm để tạo sức bật cho tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, điều này góp phần tạo nền tảng để Việt Nam chứng minh mình là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư chất lượng cao. Khi trở thành nơi hội tụ của dòng vốn FDI mới, bản thân doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội để sáng tạo, tiếp tục tạo ra động lực mới cho tăng trưởng.

Bên cạnh công nghệ và kỹ năng, yếu tố nữa quan trọng không kém là thời gian. Thời gian không chờ đợi, Việt Nam cần tận dụng thời gian, cải cách thể chế, thực thi quyết liệt, nhanh chóng và “tạo ra” những cán bộ chịu khó, dám làm, dám sáng tạo và dám chịu trách nhiệm để tạo bước ngoặt mới. Làm được như vậy, dù tình hình thế giới có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ lớn mạnh.

TS. Võ Trí Thành: Vượt ‘sang chấn’ của thị trường tài chính, kinh tế Việt Nam 2024 dần tốt lên nhưng vẫn còn 1 vấn đề lớn- Ảnh 9.

Như ông đã nói, mục tiêu rất thách thức, thời gian cũng rất gấp rút. Vậy cơ hội để đạt được mục tiêu lớn của giai đoạn đến từ đâu?

Trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam có điểm thuận lợi rất lớn là có một khát vọng cháy bỏng trở thành một quốc gia phát triển đến từ nhiều thế hệ, từ giới chính sách, giới chuyên gia, giới khoa học cho đến giới trẻ. Và ngay trong giai đoạn khó khăn nhất, tôi vẫn thấy khát vọng này sục sôi.

Cùng với đó, điểm thuận thứ hai là Việt Nam luôn sẵn sàng đối mặt với vấn đề, nỗ lực cải cách và giải quyết ngay. Trong lúc cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ và vấn đề của thể chế xuất hiện thì nhiều người lấn cấn, lo sợ, mong đảm bảo an toàn cho mình thì chúng ta đã nhìn thẳng vấn đề, giải quyết từng bước một.

Tuy nhiên, một điểm cần phải lưu ý, trước đây, khi Đổi mới, cải cách rất gian nan nên chúng ta cần phải thí điểm, đi từng những bước nhỏ. Bây giờ, chúng ta đã có nhiều trải nghiệm thì cần rút kinh nghiệm từ bài học cũ, thực hiện nhanh hơn, tốt hơn để tạo sức công phá, lan tỏa lớn hơn.

Chính nhờ những bước tiến quan trọng này, Việt Nam không chỉ hy vọng mà thực sự đang tiến dần đến mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Điển hình như câu chuyện nhiều năm trước đây, khi bắt đầu ký Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, các Hiệp định thương mại tự do FTA. Lúc đó, Việt Nam có thể chế thị trường và trình độ phát triển thấp.

Hay khi đàm phán TPP và cả tham gia CPTPP, Việt Nam là nước có thu nhập bình quân thấp nhất, thể chế kinh tế chưa hoàn thiện. Nhưng chúng ta vẫn quyết làm bằng được, vượt qua tất cả và hội nhập với khu vực, thế giới, cả với các nước lớn.

Những câu chuyện này một lần nữa khẳng định, chỉ cần quyết liệt thực hiện đến cùng, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu lớn.

Cảm ơn ông!

Bình Minh

Hải An

Việt Hùng