Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Cần quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, phù hợp lợi ích người sử dụng đất

48 lượt xem
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã kế thừa Luật Đất đai trước đây, đồng thời có giảm bớt và bổ sung một số điều khoản quan trọng, phù hợp với điều kiện thực tế
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi):  Cần quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, phù hợp lợi ích người sử dụng đất

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã kế thừa Luật Đất đai trước đây, đồng thời có giảm bớt và bổ sung một số điều khoản quan trọng, phù hợp với điều kiện thực tế.

Vừa qua, Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường (KH,GD&MT) – Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức hội nghị góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 

Tại hội nghị, các đại biểu dự họp đều cho rằng, Luật Đất đai là một trong số các luật có tác động to lớn đến sự phát triển của đất nước về kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng cũng như đối với đời sống của người dân.

 

Hội nghị đã tập trung thảo luận về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về thu hồi, trưng dụng đất để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm khiếu nại tại Chương VI Dự thảo; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chế độ sử dụng các loại đất; giám sát; thanh tra, kiểm tra; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai…

 

Pha.m Hu Tien

PGS.TS Phạm Hữu Tiến, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học và môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

 

PGS.TS Phạm Hữu Tiến, Ủy viên Hội đồng đánh giá, thực tế hiện nay sự chênh lệch giữa giá đất đền bù khi Nhà nước thu hồi và giá đất sau khi chuyển đổi, đưa vào kinh doanh đang tạo ra các kẽ hở. Lần này, dự thảo Luật quy định giá đất theo giá thị trường là điều người dân mong đợi vì sẽ khắc phục được sự chênh lệch này.

 

“Người dân mong muốn Luật Đất đai làm sao để đời sống nhân dân thấy có lợi trong việc bồi thường giá đất, không bị thiệt thòi như trước đây, phải nhận bồi thường giá bèo trong khi giá đất sau thu hồi đưa vào kinh doanh lại tăng gấp nhiều lần”, ông Phạm Hữu Tiến nói.

 

Về quy định cách định giá đất, GS.TS Lê Vân Trình, Ủy viên Hội đồng cho biết, trong dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất, nhưng phương pháp xác định giá đất chỉ quy định rất đơn giản là “giao Chính phủ quy định chi tiết”. Khi Chính phủ biên soạn lại theo ý kiến của các bộ có liên quan sẽ không tránh khỏi tình trạng “quan liêu”, vì vậy nên quy định có tính chất định hướng, tính nguyên tắc về các phương pháp xác định giá đất một cách cơ bản.

 

Ở góc độ khác dự thảo luật chưa định nghĩa rõ thế nào là “thị trường”, trong khi thị trường đất ở nước ta chưa hoàn thiện với hiện tượng đầu cơ còn khá phổ biến và ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường. Do đó cần làm rõ thế nào là “giá phổ biến trên thị trường” bởi giá cả sẽ dao động và đâu là căn cứ để biết đó là giá phổ biến để điều chỉnh giá đất.

 

“Cần lưu ý, khi đất nông nghiệp bị thu hồi thì giá đất được tính bằng giá đất nông nghiệp thấp hơn rất nhiều so với giá đất thương mại và đất ở sau khi đã chuyển đổi mục đích. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc nông dân đòi quyền lợi và kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng”, GS Lê Vân Trình bày tỏ.

 

Công khai, minh bạch đặt lên hàng đầu

 

Liên quan vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, PGS.TS Phạm Hữu Tiến cho biết, lâu nay việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thể hiện được tính khách quan, tính cần thiết của phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng. Việc khoanh vùng đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch hầu như người dân không ai biết; thậm chí khoanh vùng đất, lập quy hoạch rồi để đấy, không ai sử dụng đất.

 

“Tấc đất, tấc vàng, giờ lại bỏ đấy, nên thành ra dân bức xúc lắm”, ông Tiến cho biết, điều người dân mong mỏi là làm sao việc lập quy hoạch, kế hoạch phải công khai, công tâm, căn cứ vào nhu cầu phát triển địa phương cũng như cả nước, tránh tiêu cực.

 

Vẫn theo ông Phạm Hữu Tiến, luật hiện hành và cả dự thảo Luật quy định trách nhiệm của người dân khi không chấp hành quy hoạch hay thu hồi đất, song lại không quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này. Vì không ràng buộc trách nhiệm cơ quan quản lý, thực thi một cách chặt chẽ nên đã tạo thành kẽ hở dẫn đến tham nhũng, trục lợi trong lĩnh vực đất đai.

 

Từ đó, ông Phạm Hữu Tiến đề nghị cần thực hiện nghiêm việc công khai, công bố quy hoạch, kế hoạch (trừ trường hợp đặc biệt vì an ninh quốc phòng) sử dụng đất và thu hồi đất để nhân dân giám sát; có cơ chế xử lý nghiêm không chỉ đối với người dân không tuân thủ các quy định pháp luật mà còn đối với những cá nhân và cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện đúng các quy định của luật.

 

Tran Dinh Long

GS. Trần Đình Long, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học và môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

 

Lưu ý hơn quyền lợi của người sử dụng đất

 

GS. Trần Đình Long, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học và môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), do Hội đồng tư vấn khoa học và môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức gần đây.

 

Theo GS. Trần Đình Long, hiện nay nhiều nhà ở như khu An Khánh (Hà Nội) vẫn còn bỏ hoang. Bất cập là vậy, nhưng khi đền bù đất nông nghiệp nông dân chỉ nhận được mức đền bù rất thấp. Số tiền đó không đủ để người nông dân tái thiết sản xuất, kinh doanh và tái định cư.

 

Do đó, GS. Trần Đình Long đề nghị quy định trong dự thảo luật lưu ý thêm quy định về thu hồi đất nông nghiệp, làm sao để người nông dân không phải chịu thiệt thòi.

 

Làm rõ khái niệm “hòa giải thành”

 

PGS.TS Vũ Hào Quang, nguyên giảng viên Khoa Triết, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, cho rằng, trong phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ hơn phần đất đai thuộc lãnh thổ Việt Nam ở trên biển và không phận của Việt Nam.

 

Cũng cần làm rõ khái niệm “hòa giải thành”, vốn đã được sử dụng nhiều trong văn bản, có thể khiến người đọc suy đoán từ này là “hòa giải thành công”, theo PGS.TS Vũ Hào Quang, điều này làm cản trở tính hiệu lực của Luật Đất đai.

 

PGS.TS Vũ Hào Quang kiến nghị, tại Điều 83 quy định về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tại khoản 3 cần sửa “người có đất thu hồi” thành “người có đất bị thu hồi”.

 

Về chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số, tại khoản 3 Điều 17 quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần nói rõ “chính sách khung về hỗ trợ diện tích đất đai” chứ không chỉ là “chính sách khung về hỗ trợ đất đai”

 

PGS.TS Vũ Hào Quang mong rằng, Ban Soạn thảo Luật Đất đai cần công bố trên truyền thông, đại chúng phần tiếp thu ý kiến của MTTQ Việt Nam trước khi trình Quốc hội phê chuẩn.

 

Tránh tình trạng “quan liêu”

 

GS.TS Lê Vân Trình, Ủy viên Hội đồng Tư vấn KH,GD&MT đã chỉ ra trong Dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất, nhưng phương pháp xác định giá đất chỉ quy định rất đơn giản là “giao Chính phủ quy định chi tiết”; khi Chính phủ biên soạn lại theo ý kiến của các bộ có liên quan sẽ không tránh khỏi tình trạng “quan liêu”, vì vậy nên quy định có tính chất định hướng, tính nguyên tắc về các phương pháp xác định giá đất một cách cơ bản.

 

Dự thảo Luật chưa định nghĩa rõ thế nào là “thị trường”, hiện tượng đầu cơ còn khá phổ biến và ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường. Do đó, GS.TS Lê Vân Trình thì cần làm rõ thể nào là “giá phổ biến trên thị trường” để điều chỉnh giá đất.

 

Tại Điều 225, Dự thảo quy định thẩm quyền tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự…

 

Tranh chấp đất đai hiện vẫn là vấn đề phức tạp và tòa án chưa đủ năng lực để giải quyết triệt để; do đó nên quy định linh hoạt để người dân có quyền lựa chọn UBND các cấp hoặc tòa án nếu không có giấy tờ nhà đất.

 

Khi người dân nộp đơn lên UBND các cấp thì tiến hành hòa giải, giải quyết tranh chấp nhanh chóng, kịp thời bởi nguồn gốc đất, quá trình sử dụng với những biến thiên hết sức phức tạp, chỉ có cơ quan hành chính mới nắm được, GS.TS Lê Vân Trình nêu ý kiến.

 

Ông Nghiêm Xuân Minh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn KH,GD&MT đề xuất, trong hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai quy định tại Chương XV cần bổ sung hệ thống dữ liệu về địa chất, địa mạo đất theo vùng (tỉnh) để thực hiện phòng tránh thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai.

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài khẳng định, các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự hội nghị nêu ra, sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam; báo cáo sẽ được Ban Thường trực gửi đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh các luật cho phù hợp với tình hình thực tế và có lợi cho người dân.

 

Phạm Giang

 

 


Chủ đề:
Cùng thể loại
Xem nhiều