Thời gian qua, nhiều bên mời thầu (BMT), chủ đầu tư (CĐT) và nhà thầu đau đầu vì tình trạng bằng cấp của nhân sự không trung thực. Nhiều nhà thầu đã bị “bêu tên”, bị đề xuất cấm thầu vì hồ sơ dự thầu có sử dụng tài liệu giả liên quan đến nhân sự. Các chuyên gia cho biết, cần nhìn nhận khách quan từ nhiều phía và bản thân nhà thầu cần có động thái quyết liệt ngay từ khâu tuyển dụng để tránh rủi ro.
Nhiều nhà thầu đã bị “bêu tên”, bị đề xuất cấm thầu vì hồ sơ dự thầu có sử dụng tài liệu giả liên quan đến nhân sự. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm
Từ áp lực đáp ứng yêu cầu HSMT…
Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia Phạm Minh Yến cho biết, Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT đã có hiệu lực hơn nửa năm, nhưng tình trạng yêu cầu quá nhiều nhân sự chủ chốt, hiểu chưa đúng bản chất “nhân sự chủ chốt”, đặc biệt là yêu cầu quá nhiều bằng cấp, chứng chỉ đối với nhân sự từ phía các BMT, CĐT rất phổ biến. Với các tiêu chí cao trong hồ sơ mời thầu (HSMT), mặc nhiên, các nhà thầu khi tuyển dụng nhân sự thường chọn người lao động có nhiều bằng cấp, chứng chỉ.
Bà Nguyễn Thị Kim Khoa, đại diện Công ty TNHH MTV Nguyễn Phi Dũng, một đơn vị tư vấn đấu thầu cho biết, Điểm đ Mục 3 Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT nêu rõ, một trong các quy định của E-HSMT dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đó là yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí mà pháp luật về xây dựng không có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với chức danh đó hoặc các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông.
“Tuy nhiên, khi xây dựng HSMT, nhiều BMT vẫn yêu cầu nhân sự chủ chốt với loạt vị trí kiến trúc, điện, nước, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động… Đây là yêu cầu chưa phù hợp, dẫn tới các nhà thầu phải huy động nhiều nhân sự không cần thiết”, đại diện này cho biết.
Bổ sung thêm các quy định hiện hành, ông Võ Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Thái An cho biết, theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Nhưng trên thực tế, nhiều HSMT yêu cầu chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng với tất cả các nhân sự chủ chốt, dẫn tới nhà thầu khó khăn khi dự thầu.
Các chuyên gia cho biết, rủi ro khi sử dụng nhân sự xuất phát từ những yêu cầu không phù hợp về tiêu chuẩn đánh giá nhân sự chủ chốt của các BMT, CĐT đối với các nhà thầu luôn thường trực.
… đến lỗi chủ quan của nhà thầu
Theo chia sẻ của đại diện Công ty CP Đầu tư thương mại và Xây dựng giao thông 1 (TRICO1), khi nhân sự chỉ huy trưởng công trình được đề xuất để tham dự Gói thầu DN-Cw-02 Nâng cấp từ Km139 đến Km158 (Quốc lộ 14C cũ) và các công trình liên quan thuộc Dự án Hỗ trợ khu vực biên giới – Tiểu dự án tỉnh Đắk Nông bị BMT phát hiện sử dụng chứng chỉ giả, nhà thầu hoàn toàn bất ngờ. Đây cũng là phản hồi của nhiều nhà thầu đóng trên địa bàn TP.HCM khi trao đổi với phóng viên. “Bộ phận nhân sự khi hoàn tất hồ sơ tuyển dụng đã không kiểm tra, đối chiếu hoặc liên hệ với trường đại học, cơ sở cấp chứng chỉ để xác thực tính pháp lý. Chỉ khi CĐT, BMT công bố, nhà thầu mới biết đang sử dụng nhân sự có bằng giả. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hoạt động của nhà thầu. Việc xử lý, đình chỉ công tác nhân sự, đề xuất phương án nhân sự thay thế hoàn toàn không được sự chia sẻ từ các CĐT”, một nhà thầu cho biết.
Trong khi đó, một số chuyên gia khẳng định, khi hành vi gian lận của nhân sự do nhà thầu đề xuất bị phát giác, trách nhiệm trước CĐT vẫn là nhà thầu. “Nguyên tắc đánh giá HSDT là nhà thầu chịu mọi trách nhiệm về tính xác thực của các tài liệu trong HSDT. Bằng cấp, chứng chỉ của nhân sự là tài liệu quan trọng, nhà thầu cần cẩn trọng trước khi cung cấp để dự thầu. Nếu phát hiện nhân sự sử dụng bằng cấp giả, nhà thầu có thể khởi kiện ra tòa án dân sự để bảo vệ uy tín, danh dự của nhà thầu”, một chuyên gia cho biết.
Trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia cho biết, sau khi độc lập xác minh và phát hiện nhân sự mà nhà thầu đề xuất sử dụng bằng cấp không có thật, đang có 2 phương án xử lý phổ biến. “Nhiều BMT xác định đây là hành vi gian lận, đề xuất cấm thầu đối với nhà thầu. Một số BMT đánh giá các tài liệu mà nhà thầu đề xuất không trùng khớp, do đó không đạt về năng lực, kinh nghiệm. Nếu quá trình làm rõ, tổ chuyên gia nhận thấy nhà thầu không cố ý và không biết được hành vi cung cấp bằng giả của nhân sự, BMT sẽ cân nhắc để không kết luận hành vi gian lận, vì loại kết luận này ảnh hưởng lớn đến hoạt động về sau của nhà thầu. Tuy nhiên, đây cũng là bài học lớn cho các nhà thầu rút kinh nghiệm khi tuyển dụng nhân sự”, một BMT tại TP.HCM chia sẻ.
Theo Báo Đầu Tư