Chính sách pháp luật kinh doanh còn nhiều chồng chéo, vướng mắc

819 lượt xem
Đánh giá về hệ thống văn bản pháp luật tại hội thảo công bố báo cáo “Dòng chảy Pháp luật Kinh doanh Việt Nam 2022” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 4/4, các đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều chồng chéo, vướng mắc trong các văn bản pháp luật
Chính sách pháp luật kinh doanh còn nhiều chồng chéo, vướng mắc

Đánh giá về hệ thống văn bản pháp luật tại hội thảo công bố báo cáo “Dòng chảy Pháp luật Kinh doanh Việt Nam 2022” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 4/4, các đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều chồng chéo, vướng mắc trong các văn bản pháp luật.

 


Ông Nguyễn Minh Đức – Ban Pháp chế VCCI trình bày báo cáo tại hội thảo.

 

Trình bày báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho hay, trong những năm gần đây, doanh nghiệp phản ánh khá nhiều về tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong các quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh, tạo thành “điểm nghẽn” của môi trường đầu tư.

 

Nhà nước cũng đã có nhiều biện pháp khắc phục, thông qua các hoạt động rà soát, sửa đổi các quy định gây vướng. Chẳng hạn, năm 2020, Tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ tiến hành rà soát 11 nhóm vấn đề liên quan đến kinh doanh, hay ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội đã ban hành một luật sửa 8 luật về kinh doanh, để gỡ vướng cho một số hoạt động đầu tư.

 

Tuy vậy, các hoạt động này chỉ mang tính chất “giải quyết tình huống”, sửa chữa một vài quy định bất cập mà chưa xem xét một cách tổng thể hệ thống văn bản pháp luật.

 

Việc thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất liên quan đến nhiều văn bản pháp luật khác nhau, trong đó tập trung chủ yếu vào các luật như: đất đai, đấu thầu, đầu tư, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Giữa các văn bản này đang tồn tại nhiều điểm mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, gây khó cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

 

Năm 2022, phần lớn các luật này (trừ Luật Đầu tư) đều được xem xét sửa đổi. Đây là cơ hội để đánh giá và sửa đổi một cách toàn diện những quy định còn hạn chế, góp phần tạo thuận lợi hơn cho môi trường đầu tư kinh doanh, khai thông các “điểm nghẽn” đầu tư.

 

Bước sang năm 2023, sẽ có nhiều Luật quan trọng được đưa ra thảo luận và thông qua, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu(sửa đổi)… VCCI đánh giá, các luật đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tổng kết thi hành đầy đủ, đánh giá tác động các chính sách mới khá toàn diện.

 

Dong Chay Phap Luat Kinh Doanh Viet Nam 202220230404113758

Toàn cảnh hội thảo.

 

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh, tính ổn định của pháp luật làm cho tính hấp dẫn của môi trường đầu tư và các nhà đầu tư lớn yên tâm hơn.

 

Theo Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp, có thể nói năm 2022 là một năm đỉnh điểm của việc hoàn chỉnh, sửa đổi biên soạn lại hệ thống luật pháp của nước ta. Hàng loạt các luật tác động trực tiếp vào sự phát triển kinh tế được chỉnh sửa, biên soạn lại như: Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ người tiêu dùng… Việc quyết định chỉnh sửa, biên soạn lại hàng loạt các đạo luật quan trọng chỉ rõ một điểm: lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nhìn thấy rõ sự bất cập, cản trở của hàng rào pháp lý đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng.

 

Hiện tại, chỉ lĩnh vực đầu tư bất động sản, có khoảng 12 luật tác động trực tiếp vào các hoạt động, trong đó có nhiều điểm không đồng nhất nên các dự án khiến doanh nghiệp và các cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn không biết phải xử lý.

 

Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp đã đưa ra ví dụ về sự chồng chéo, không thống nhất giữa các luật như: Luật Quy hoạch đô thị quy định dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành làm quy hoạch và xin phê duyệt trong khi Luật Đầu tư 2020 lại quy định dự án muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Như vậy chỉ một vấn đề liên quan đến hai luật này đã không thống nhất, không khác gì “đánh đố” doanh nghiệp.

 

Hay Luật Kinh doanh bất động sản Điều 57 quy định bên bán chỉ được thu tiền đến 95% giá trị hợp đồng khi bên mua chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhưng ở Luật đất đai lại quy định phải nộp 100% tiền thì cơ quan quản lý mới được cấp giấy chứng nhận.

 

Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, trong lần rà soát, chỉnh sửa lại một loạt các luật quan trọng như hiện nay cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật để tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Giải quyết được vấn đề này là sẽ tháo gỡ cho các doanh nghiệp khỏi các ách tắc, chờ đợi mất thời gian mà thời gian là tiền bạc của doanh nghiệp.

 

Đồng thời, các doanh nghiệp đều mong muốn có một hành lang pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thông thoáng cho công việc kinh doanh, đầu tư ảnh hưởng của luật thể hiện rất rõ nên dù chỉ mới là các dự thảo luật cũng đã tác động ngay đến thị trường. Hy vọng là các luật mới sẽ giải quyết hài hoà các lợi ích để dòng chảy pháp luật sẽ tạo ra sức mạnh mới cho cả nền kinh tế, động lực cho sự phát triển của toàn xã hội.

 

Theo TS. Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sang năm 2023, nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế nước ta bên cạnh những thuận lợi thì sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. Vì thế, những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo môi trường chính sách an toàn cho doanh nghiệp cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực thực thi cần mạnh mẽ hơn.

 

Tiến trình cải cách môi trường kinh doanh đang đối mặt với nhiều lực cản vì chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành. Mỗi chính sách cần được đánh giá tác động nghiêm túc, khoa học thay vì chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ. Cần thiết phải có sự tham gia của đại diện các tổ chức nghiên cứu độc lập, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong quá trình thẩm định; xây dựng cơ chế rõ ràng, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tiếp nhận ý kiến và phản hồi ý kiến. Đồng thời, cần khơi dậy động lực cải cách của chính quyền địa phương cùng với cơ chế đối thoại với doanh nghiệp, cũng cần có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.

 

TS. Nguyễn Minh Thảo cho rằng, môi trường kinh doanh thiếu hấp dẫn, không an toàn sẽ ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần sự cảm thông, chia sẻ và đồng hành của chính phủ thông qua thúc đẩy các nỗ lực cải cách, tháo gỡ rào cản đầu tư, kinh doanh.

 

Phạm Giang / Theo (PetroTimes)


Chủ đề:
Cùng thể loại
Xem nhiều