Không để thiếu than, điện, xăng dầu trong mọi tình huống

844 lượt xem
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa chủ trì cuộc họp với các tập đoàn, doanh nghiệp năng lượng nhà nước nhằm bàn các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có công tác cung cấp điện các tháng cuối năm nay và năm 2024
Không để thiếu than, điện, xăng dầu trong mọi tình huống

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa chủ trì cuộc họp với các tập đoàn, doanh nghiệp năng lượng nhà nước nhằm bàn các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có công tác cung cấp điện các tháng cuối năm nay và năm 2024 .

 

TKV lo nhập khẩu 17 triệu tấn than cho sản xuất điện

 

Báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), dự kiến 8 tháng đầu năm tổng khối lượng than TKV cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện đạt khoảng 27,5 triệu tấn, bằng 71,4% khối lượng hợp đồng và bằng 116% so với cùng kỳ năm 2022 tăng 3,8 triệu tấn).

Hầu hết các nhà máy nhiệt điện đều được huy động cao, trong đó có tháng 5,6,7 là các tháng cao điểm, các nhà máy nhiệt điện đều phát công suất tối đa. Việc cấp than cho các nhà máy nhiệt điện trong 8 tháng đầu năm nhìn chung đều đảm bảo đạt tiến độ hợp đồng, một số nhà máy nhiệt điện vượt tiến độ.

Cũng theo TKV, dự kiến 4 tháng cuối năm khối lượng than cho các nhà máy nhiệt điện khoảng 12,6 triệu tấn, bằng khoảng 104,3 % hợp đồng (tăng khoảng 1,6 triệu tấn) và bằng 114,7% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng khoảng 5 triệu tấn so với năm 2022).

Dự kiến kế hoạch năm 2024, TKV và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp than cho điện là 56,48 triệu tấn, trong đó TKV cấp khoảng 46,48 triệu tấn và Tổng công ty Đông Bắc khoảng 10 triệu tấn. Với các nhà máy của EVN, TKV sẽ cung cấp 20,35 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc cung cấp 8,35 triệu tấn.

Ông Ngô Hoàng Ngân – Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV – cho biết, để có đủ nguồn cung ứng 46,48 triệu tấn than cho sản xuất điện trong đó có 31 triệu tấn than pha trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu, TKV dự kiến sẽ cần nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than.

“EVN, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đang tiến hành thảo luận để ký thỏa thuận hợp tác cung cấp than dài hạn dự kiến thực hiện từ năm 2024 trở đi đến hết thời gian vận hành nhà máy”, ông Ngân cho hay.

Cong Nhan Dien Luc Khu Vuc Bim Son Ha Trung Pc Thanh Hoa Huong Dan Khach Hang Xem Va Chot Chi So Tren Cong To Co Khi Cu Truoc Khi Thay The Bang Lap Dat Cong To Dien Tu 7728

 

Bộ trưởng Công Thương yêu cầu không để thiếu điện, thiếu than, thiếu xăng dầu trong mọi tình huống. Ảnh: Như Ý.

 

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện PVN cho biết, trong 7 tháng qua, PVN đã duy trì ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch từ 3-28%. Tuy nhiên do mức độ suy giảm của giá dầu nên doanh thu toàn tập đoàn giảm 9,0%, nộp ngân sách nhà nước đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước 5 tháng.

Tại cuộc họp Tập đoàn EVN, TKV, PVN, Tổng công ty Đông Bắc, Petrolimex cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ và đề nghị Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, giải quyết.

Cụ thể, đại diện TKV kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu xem xét để báo cáo đề xuất Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi các nội dung liên quan đến Chỉ thị 29 cho phù hợp với tình hình cung cấp than thực tế giữa EVN, TKV và Tổng công ty Đông Bắc….

Đại diện EVN kiến nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sớm xem xét phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2023 của EVN cũng như đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo TKV, PVN cùng chủ đầu tư các nhà máy điện, đặc biệt nhiệt điện than miền Bắc đảm bảo độ khả dụng sẵn sàng và độ tin cậy của các tổ máy. EVN cũng kiến nghị chỉ đạo UBND các tỉnh khẩn trương tổ chức lựa chọn chủ đầu tư các nguồn điện quan trọng, ưu tiên đã có trong Quy hoạch điện VIII đặc biệt các dự án khu vực phía Bắc.

 

Không để thiếu điện, xăng dầu

 

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là bảo đảm cung ứng điện, than, xăng dầu, khí đốt phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.

Dự báo thời gian tới, thị trường thế giới về nguyên, nhiên liệu sơ cấp, đầu vào của sản xuất vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, trong khi nhu cầu sử dụng năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao theo diễn biến tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước; tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường.

Bộ trưởng Công Thương yêu cầu các đơn vị phải thực hiện ba nhiệm vụ chính: Không được để thiếu điện, thiếu than, xăng dầu và khí đốt cho nền kinh tế trong mọi tình huống; các tập đoàn, tổng công ty phải tăng cường hơn nữa sự hợp tác chia sẻ; các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu chính sách, đôn đốc, kiểm tra giám sát việc tuân thủ pháp luật cũng như thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ , Bộ Công thương và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, TKV và Tổng Công ty Than Đông Bắc, tuyệt đối tuân thủ biểu đồ cung cấp than và chỉ thị của Chính phủ về cung ứng than cho phát điện; tăng năng lực khai thác để đảm bảo nguồn cung cho các hợp đồng đã ký.

Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cần tăng năng lực khai thác và chế biến sản phẩm dầu khí phục vụ nhu cầu phát điện và nhu cầu của nền kinh tế, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại của liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn, kể cả việc tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như tái cơ cấu tài chính để bảo đảm hoạt động có hiệu quả.

Đối với Petrolimex, tập đoàn này phải bảo đảm trong mọi tình huống không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu ở mọi phân khúc; chủ động nhập khẩu để bảo đảm đủ nguồn cung cho thị trường, nhất là thời điểm Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong kỳ bảo dưỡng.

 

Phạm Tuyên / Theo TPO


Chủ đề:
Cùng thể loại
Xem nhiều