Doanh nghiệp tham gia thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn được hưởng ưu đãi gì?

503 lượt xem
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về tư vấn, chuyển giao tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ
Doanh nghiệp tham gia thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn được hưởng ưu đãi gì?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về tư vấn, chuyển giao tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

 


 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố một dự thảo về chính sách tư vấn công nghệ và chuyển giao công nghệ, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trong nước. Theo dự thảo này, các doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm kinh tế tuần hoàn sẽ được hỗ trợ 50% chi phí cho các chuyên gia tư vấn công nghệ.

Theo dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về tư vấn, chuyển giao công nghệ, chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, chính sách đất đai.

Dự án kinh tế tuần hoàn, tham gia cơ chế thử nghiệm sẽ được nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ bằng cách giới thiệu công nghệ cũng như hỗ trợ tài chính. Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm sẽ được miễn thuế nhập khẩu cho các trang thiết bị công nghệ phục vụ dự án, đồng thời, họ sẽ được ưu tiên thông quan hàng hóa.

Ngoài ra, chính phủ cũng cam kết hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê hoặc mua các giải pháp chuyển đổi số để thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn.

 

Chính sách Tín dụng Xanh và Trái phiếu Xanh

Dự thảo cũng đề cập đến việc thiết lập chính sách tín dụng xanh và trái phiếu xanh để hỗ trợ các dự án kinh tế tuần hoàn.

Theo dự thảo, các dự án tham gia cơ chế thử nghiệm sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm, cho phép tiếp cận các khoản vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, quỹ đầu tư phát triển tỉnh, các quỹ an sinh xã hội, quỹ môi trường, quỹ phát triển xanh, và quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp và tổ chức tài chính.

Ngoài ra, các dự án cũng được khuyến khích hợp tác với các đơn vị có chức năng để phát hành trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật về trái phiếu. Mỗi tỉnh, thành phố chỉ được có tối đa 05 tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm được phép phát hành trái phiếu xanh. Dự thảo cũng cho phép duy nhất 01 đơn vị được hợp tác liên kết với quỹ đầu tư phát triển địa phương để vận hành sàn giao dịch trái phiếu xanh.

Thời hạn trái phiếu xanh, thời gian vận hành thử nghiệm hoạt động sàn giao dịch trái phiếu xanh và tín chỉ carbon tự nguyện không vượt quá thời hạn dự án đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm, trừ trường hợp có các quy định mới khác ở cấp Luật và Nghị quyết của Quốc hội.

 

Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực

Trong việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, dự thảo chính sách nêu rõ rằng Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa 70% tổng chi phí cho một khóa quản trị doanh nghiệp cho tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cam kết hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nghề và chi phí chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng không vượt quá 03 tháng lương cơ sở cho mỗi người lao động tại khu vực triển khai dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm. Tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm sẽ lập danh sách lao động cần được đào tạo nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp và gửi đơn vị có thẩm quyền cấp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm để được phê duyệt.

Nhà nước và chính quyền địa phương cũng cam kết kết nối các đơn vị cung ứng lao động, trường nghề, trung cấp, cao đẳng và đại học với tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm để đảm bảo nguồn lao động đáp ứng đủ số lượng và chất lượng cho thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn.

 

Phương Đằng / Theo DNHN


Chủ đề:
Cùng thể loại
Xem nhiều