Việc gần 30 quốc gia hạn chế xuất khẩu lương thực đã đẩy giá lương thực, thực phẩm trên thế giới tăng vọt. Trong bối cảnh ấy, với vị thế của nước xuất khẩu nông sản lớn, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội tăng tốc, đẩy mạnh cung ứng các mặt hàng như gạo, thủy sản… ra thế giới.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, đừng quá kỳ vọng khi nguyên liệu đầu vào cho các ngành hàng này Việt Nam cũng đều nhập khẩu và hiện đang bị đứt gãy.
Liên tiếp hạn chế xuất khẩu từ các nước
Hồi giữa tháng 5, Ấn Độ công bố áp lệnh cấm xuất khẩu lúa mì sau khi thời tiết nắng nóng làm ảnh hưởng tới mùa vụ, khiến giá lúa mì trong nước tăng vọt. Ấn Độ không phải quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn, nhưng quyết định này đã khiến giá lúa mì tiếp tục leo thang, bởi trước đó hồi tháng 3 Chính phủ Ukraine đã cấm xuất khẩu lúa mì, yến mạch và nhiều mặt hàng chủ lực khác vốn có vai trò quan trọng với nguồn cung lương thực toàn cầu. Cũng trong tháng 3, Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đường trắng, đường thô và lúa mì, lúa mạch, ngô sang các quốc gia trong liên minh kinh tế Á-Âu. Một việc nữa cũng thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, là quyết định cấm xuất khẩu toàn bộ dầu cọ thô và dầu ăn của Indonesia vào cuối tháng 4. Dù lệnh cấm này chỉ kéo dài hơn 3 tuần, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia mua dầu cọ lớn của Indonesia. Thị trường lương thực, thực phẩm Đông Nam Á tiếp tục dậy sóng vào ngày 23-5, khi Malaysia ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà trong bối cảnh quốc gia này đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá cả leo thang. Động thái trên của Malaysia đã khiến Singapore quan ngại, vì nước này phụ thuộc lớn vào nguồn cung lương thực của Malaysia.
Theo thống kê của Công ty xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch Solutions, từ sau khi chiến sự Nga – Ukraine bùng phát, đã có khoảng 30 quốc gia thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực. Điều này đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, khiến giá cả nhiều mặt hàng leo thang mạnh. Fitch Solutions cũng cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ nông nghiệp đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2007-2008. Công cụ đo của Liên hiệp quốc (LHQ) ghi nhận giá lương thực thế giới đã tăng hơn 70% kể từ giữa năm 2020, và gần đạt mức kỷ lục sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, làm tắc nghẽn xuất khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu và rối loạn chuỗi cung ứng. Từ ngày 18 đến 23-5, LHQ đã tổ chức 3 cuộc họp về an ninh lương thực toàn cầu, nguy cơ mất an ninh lương thực được cảnh báo với những con số biết nói. Ngày 23-5, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết về “Tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu” không cần bỏ phiếu.
Trong bối cảnh trên, Việt Nam với nhiều lợi thế về nông nghiệp, đang được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực ra thế giới. Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, khẳng định: “Thông qua các mô hình nông nghiệp sáng tạo và bền vững, chúng tôi mong muốn trở thành trung tâm sáng tạo về lương thực trong khu vực. Với mục tiêu đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp có ý nghĩa vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu”.
Có là cơ hội vàng cho xuất khẩu của Việt Nam? Gạo là một trong những mặt hàng được đánh giá có nhiều cơ hội tăng tốc xuất khẩu trong thời gian tới. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhận định gạo không thể thay thế lúa mì ngay được, nhưng trong bối cảnh hiện nay cơ hội cho gạo rất lớn, nhất là với quốc gia nằm trong top đầu xuất khẩu gạo như Việt Nam. Từ nay đến cuối năm và qua năm 2023, nhu cầu gạo sẽ tăng cao ở nhiều nước trên thế giới. Gạo Việt Nam hiện rất tự tin trong cạnh tranh với gạo của các cường quốc xuất khẩu khác như Thái Lan. Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm đã đạt khoảng 2,05 triệu tấn, mang về tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng. Giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so với một số nước xuất khẩu gạo truyền thống như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Bước qua tháng 5, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường chủ lực vẫn giữ đà tăng trưởng tốt. Đặc biệt những ngày đầu tháng 6, giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng 10-15USD/tấn so với tháng 5. Trước câu hỏi liệu Việt Nam có nên kiểm soát xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, ông Phạm Thái Bình cho rằng Việt Nam nên tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, không nên có suy nghĩ hạn chế xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực. “Cứ 3 tháng chúng ta lại có 1 vụ lúa, như vậy hoàn toàn đảm bảo được an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu. Điều cần quan tâm hiện nay là giá bán tuy có tăng nhưng vẫn còn thấp so chi phí đầu vào đang không ngừng tăng cao của ngành nông nghiệp” – ông Bình chia sẻ. Cùng với gạo, thủy sản cũng là mặt hàng đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh cung ứng ra thị trường thế giới. Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong tháng 5 tuy hạ nhiệt nhưng vẫn cán mốc 1 tỷ USD, và thủy sản đã có 3 tháng liên tiếp duy trì kim ngạch 1 tỷ và trên 1 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm của toàn ngành đạt 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Trước nhiều biến động về lương thực tại một số khu vực trên thế giới, thủy sản Việt Nam lại đang có cơ hội phát triển mạnh trở lại. Trong một phân tích, chuyên gia thị trường cá tra (thuộc VASEP) Tạ Hà, đưa ra nhận định lạm phát ở châu Âu đang lên mức cao kỷ lục, đe dọa làm suy yếu quá trình khôi phục sản xuất của các nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Dự báo giá lương thực ở châu Âu sẽ tăng lên mức chưa từng có, đây là cơ hội để doanh nghiệp cá tra quay lại thị trường này sau nhiều năm bị chững lại. Hơn nữa, việc EU và Mỹ trừng phạt cá minh thái của Nga – vốn là sản phẩm cạnh tranh mạnh với cá tra – cũng khiến nguồn cung cá thịt trắng của khu vực này giảm đáng kể. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp cá tra Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu cá tra đông lạnh sang EU.
Nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu đang là bài toán buộc nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc. Bởi từ đầu tháng 5 thời tiết có chiều hướng bất lợi, mưa đầu mùa sớm ảnh hưởng đến sản lượng tôm, cũng như nguồn nguyên liệu tôm. Dự báo tháng 5 và vài tháng tới có khả năng nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt hơn. |
Thanh Lâm / (Theo ĐTTCO)