Nghệ nhân Đào Việt Bình “Lửa gốm luôn rực cháy trong tôi!”

18 lượt xem
Cần mẫn giữ gìn, bảo tồn vốn cổ của làng nghề nghìn năm tuổi, không ngừng học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, kỹ thuật hiện đại nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm của làng nghề
Nghệ nhân Đào Việt Bình “Lửa gốm luôn rực cháy trong tôi!”
Cần mẫn giữ gìn, bảo tồn vốn cổ của làng nghề nghìn năm tuổi, không ngừng học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, kỹ thuật hiện đại nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm của làng nghề. Nghệ nhân Đào Viết Bình, Chủ tịch Hội Gốm sứ xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Tp. Hà Nội luôn ý thức cao về vai trò và sứ mệnh của mình trong việc bảo vệ và duy trì “sức sống” nghề truyền thống của quê hương.
Với nỗ lực của mình, anh đã góp phần đưa thương hiệu gốm Kim Lan vượt qua biên giới quốc gia, hội nhập thị trường quốc tế, anh được coi là người “giữ lửa” của làng nghề gốm Kim Lan.
Thăng trầm cùng gốm.
Sinh ra ở “cái nôi của gốm”, cất tiếng khóc chào đời là biết mùi đất nung, không khó để lý giải vì sao nghệ nhân Đào Việt Bình lại dành tình cảm sâu nặng với  nghề cổ trao truyền mà cha ông để lại tới vậy. Anh thường nói vui rằng cuộc đời mình thấm mùi của đất, nhuốm màu của men, bởi vậy mà gốm và người gắn bó với nhau như một duyên nợ không thể nào tách rời được. Năm 1989, sau khi tốt nghiệp THPT, khác với các anh chị em trong gia đình đều thoát ly, tìm kiếm những cơ hội việc làm khác thì cậu thanh niên Đào Việt Bình ngày đó lại có hướng đi ngược lại. Anh quyết định gắn bó với làng, quyết tâm giữ nghề và bắt đầu dành tâm huyết tìm hiểu sâu hơn về nghề gốm. Thời điểm ấy, nghề gốm phát triển tương đối ổn định, do đó chỉ cần chăm chỉ, thợ nghề có thể có thu nhập tương đối. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn đầu những năm 90,  nghề gốm Kim Lan bắt đầu chùng xuống, việc làm ăn gặp nhiều trở ngại. Những người làm nghề như anh Bình bắt đầu chịu những ảnh hưởng của thị trường. Nhiều thợ nghề phải bỏ việc hoặc kiếm thêm nghề phụ để mưu sinh, mà anh Bình cũng không tránh khỏi sự biến động ấy. Đó cũng là giai đoạn hết sức vất vả đối với gia đình của anh Bình khi vợ chồng lấy nhau chưa lâu, con cái còn nhỏ, trong khi việc làm ngày càng  bị thu hẹp. Trước sức ép về kinh tế, năm 1997, anh Bình quyết định đi xuất khẩu lao động tuy nhiên lại gặp trục trặc không thể xuất cảnh.
Tìm hướng đi cho nghề
Quay trở về quê hương, bươn chải với đủ nghề để kiếm sống khi nghề gốm không thể nuôi nổi mình, ngỡ tưởng rồi cũng như bao thợ gốm của làng sẽ “giải nghệ”, nhưng anh Bình chưa khi nào nguôi ngoai với niềm “nhớ gốm”. Sau bao cân nhắc và niềm tin với tiềm năng của nghề, năm 1999, anh quyết định đi “tầm sư học đạo”,  học hỏi kinh nghiệm tại các vùng làm gốm nổi tiếng với mục đích đầu tiên là trau dồi thêm vốn nghề, tiếp đến là tìm hướng đi phù hợp để phát triển sản phẩm của dòng gốm địa phương. Nơi dừng chân đầu tiên của anh là làng gốm sứ Bát Tràng, ngôi làng chỉ nằm phía bên kia sông quê hương anh, nhưng đã nổi tiếng là trung tâm gốm sứ lớn mạnh và phát triển nhất cả nước.
Với tư chất thông minh, cộng thêm tay nghề vững, anh sớm lĩnh hội những kỹ thuật mà thầy truyền nghề hướng dẫn rồi anh chóng trở thành thợ chính chuyên thiết kế khuôn thạch cao. Sau hai tháng làm việc cho xưởng gốm Bát Tràng, Bình “đánh liều” xin nghỉ việc, trở về lại làng mở xưởng gốm do chính mình làm chủ. Anh tự tay đặt nền móng cho xưởng gốm đầu tiên của mình trên diện tích vỏn vẹn 100m2 cùng với 25 triệu vốn vay từ người chủ cũ. Thời điểm ấy không ít người tỏ ra ái ngại, lo lắng về năng lực của ông chủ trẻ, tuổi chưa đầy 30, không ít người ngăn cản vì “Nếu may mắn thì đủ ăn, còn nếu thất bại thì lấy gì mà sống?”. Nhưng với bản tính dám nghĩ, dám làm, Bình không sợ thất bại. Anh chấp nhận đương đầu với thử thách, chấp nhận đánh đổi bởi đây chính là cơ hội không thể bỏ lỡ để hiện thực hóa ước mơ đưa gốm Kim Lan tìm lại chỗ đứng trên thị trường.
Cuối cùng Bình đã đúng! Chỉ trong một thời gian chưa tới một năm, từ một thanh niên khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, Bình không những hoàn vốn mà thậm chí còn có “của để dành”.  Anh tự sắm cho mình chiếc xe máy đời đầu, một trong những xa xỉ phẩm thời bấy giờ, chứng minh cho những người từng hoài nghi về anh phải tâm phục khẩu phục. Chất lượng sản phẩm dần được khẳng định, việc kinh doanh của anh Bình ngày càng gặp nhiều thuận lợi. Cơ sở sản xuất của anh Bình nhận được nhiều đơn hàng không chỉ của khách hàng trong nước mà còn cả nước ngoài. Trong đó nhiều đối tác có sự gắn bó lâu năm với cơ sở sản xuất của anh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Đối tượng khách hàng ngày càng phong phú đa dạng, ban đầu mặt hàng kinh doanh chính của anh Bình là thiết kế khuôn, dần dần, anh chuyển hướng sang gom hàng xuất khẩu, cùng với cung cấp vật tư nguyên liệu sản xuất gốm song song với chế tác gốm cao cấp. Ý thức được việc mở rộng giao lưu buôn bán tạo thuận lợi rất lớn cho đầu ra của nghề gốm, nhưng đồng thời cũng có những đòi hỏi rất cao về chất lượng, phải đa dạng về mẫu mã mới có thể “níu chân” được khách hàng. Anh dành nhiều thời gian nghiên cứu, chắt lọc tinh hoa nghề gốm khắp các làng gốm trong nước rồi sang cả nước ngoài tìm đến những nghệ nhân nổi tiếng để học hỏi. Đó cũng là cơ duyên đưa anh tới gặp người thầy truyền nghề tại Trung Quốc, người đã truyền thụ cho anh những bí quyết được coi là bí truyền, giúp anh có thêm kiến thức để nghiên cứu các dòng gốm sứ đa dạng thể loại. Từ những kinh nghiệm quý báu được trao truyền, anh đã khôi phục được rất nhiều những loại hình gốm cổ, từng bị coi là thất truyền từ lâu tại Việt Nam, nhận được sự quan tâm của không ít các nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ nhân trên khắp cả nước.
Tiếp thu phương pháp mới
Bên cạnh việc tiếp nối truyền thống, tinh hoa làng nghề, nghệ nhân Đào Việt Bình cũng là người là người có nhiều đóng góp trong việc tìm tòi những nguyên liệu mới, kỹ thuật hiện đại áp dụng trong quy trình làm gốm tại địa phương. Anh là những người đầu tiên tại Kim Lan làm mặt hàng gốm đất đỏ. Sản phẩm có độ bóng, đẹp, giữ nguyên màu sắc của đất nung được khách hàng rất ưa chuộng. Cũng từ năm 2007, nghệ nhân Đào Việt Bình cũng là người đầu tiên tại Kim Lan đi tiên phong trong việc chuyển đổi lò nung gốm sứ từ lò đốt than sang lò đốt ga. Theo chia sẻ của anh Bình, việc sử dụng lò ga mang lại rất lợi ích mà lò đốt truyền thống không có được, đó là giảm thải khí thải độc hại ra môi trường, đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng gốm thành phẩm, tăng lợi nhuận/mẻ. Trong năm 2016-2017 dưới sự hỗ trợ tài chính và tư vấn của các chuyên gia của Chương trình hỗ trợ Đầu tư Xanh, đã có 30 dự án chuyển đổi từ lò than sang lò ga nung gốm sứ tại làng nghề Kim Lan. Tới nay 98% các hộ sản xuất ở Kim Lan đã chuyển đổi sang sử dụng lò ga. Đây là đóng góp quan trọng giúp địa phương hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2013, nghệ nhân Đào Việt Bình được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề. Anh cũng được các nghệ nhân, thợ giỏi của làng bầu chọn làm Chủ tịch Hội gốm sứ Kim Lan; là thành viên Hội đồng Nhân dân xã(01 khóa). Có thể nói, Nghệ nhân Đào Việt Bình luôn ý thức được trách nhiệm to lớn mà cha ông trao truyền, thế hệ sau hi vọng. Anh luôn tích cực trong các phong trào, hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, hỗ trợ đào tạo nghề, hướng nghiệp cho thanh niên trẻ, xây dựng đội ngũ kế cận, được nhân dân quê hương hết sức tin tưởng và hưởng ứng.
Tới làng gốm sứ Kim Lan ngày nay, điều đầu tiên chúng ta có thể cảm nhận được đó là không khí tấp nập của những chuyến xe vài ra mang nặng những sản phẩm gốm Kim Lan. Những chuyến xe chở đầy tinh hoa làng gốm cổ mang tới muôn nơi, cùng niềm tự hào mang thương hiệu Việt, mà trong đó, không thể không nhắc tới những đóng góp quan trọng và to lớn của Nghệ nhân Đào Việt Bình. Vẫn phong cách mộc mạc, khiêm tốn, nhưng người nghệ nhân ấy luôn trăn trở, băn khoăn cùng những ‘nhịp đập” của làng nghề. Với anh nghệ thuật ‘chơi với đất” chính là cuộc đời, là đam mê không khi nào ngừng nghỉ.
Trần Tâm 
Theo https://tinhhoadatviet.net.vn/nghe-nhan-dao-viet-binh-lua-gom-luon-ruc-chay-trong-toi.html

Chủ đề:
Cùng thể loại
Xem nhiều