Gói trái phiếu hàng chục nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp trong vụ án Vạn Thịnh Phát

40 lượt xem
Để huy động vốn thành công qua kênh trái phiếu, ngân hàng là kênh trung gian quan trọng không thể thiếu cùng với doanh nghiệp chứng khoán
Gói trái phiếu hàng chục nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Để huy động vốn thành công qua kênh trái phiếu, ngân hàng là kênh trung gian quan trọng không thể thiếu cùng với doanh nghiệp chứng khoán. Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, loạt doanh nghiệp liên quan huy động vốn thành công qua kênh này, xuất hiện nhiều dấu vết quan trọng của Techcombank và TCBS…

 

Techcombank


Techcombank và TCBS tham gia nhiều gói trái phiếu của doanh nghiệp liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát (ảnh minh họa, nguồn: Internet). 

 

Hỗ trợ tích cực doanh nghiệp trong vụ án Vạn Thịnh Phát

 

Theo số liệu thống kê sơ bộ, đối với nhóm doanh nghiệp liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, Techcombank và TCBS (Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương là doanh nghiệp con của Techcombank) tham gia khá tích cực trong nhiều thương vụ trái phiếu của doanh nghiệp liên quan đến vụ án này. Khối lượng trái phiếu mà những doanh nghiệp này được Techcombank và doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái hỗ trợ huy động vốn thành công con số lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

 

Điển hình như các doanh nghiệp: Osaka Garden, Bông Sen, Hoa Phú Thịnh, Hoàng Phú Vương, CTCP Wealth Power… là những doanh nghiệp mới thành lập chưa lâu, trong đó nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ triền miên, doanh thu bằng 0 và đều có liên quan đến đại án Vạn Thịnh Phát, đang bị cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu Hà Nội phối hợp ngăn chặn các tổ chức/cá nhân tẩu tán tài sản; thực hiện tạm dừng giao dịch chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp (theo Văn bản số 103/CV-CSKT-P10).

 

Số liệu thống kê trong quý 1/2022, TCBS đã đứng ra thu xếp vốn cho khá nhiều thương vụ trái phiếu doanh nghiệp như: Công ty cổ phần xây dựng Minh Trường Phú (2.950 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm); Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Eagle Side (giá trị phát hành 3.930 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm); Công ty cổ phần Air Link (giá trị phát hành 3.810 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng); Công ty cổ phần xây dựng Kiến Hưng Thịnh (giá trị phát hành 3.610 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng); Công ty cổ phần Worldwide Capital (giá trị phát hành 3.410 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng).

 

Trong số 5 doanh nghiệp trên, có tới 4 cái tên liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát gồm: Công ty cổ phần WorldWide Capital, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Eagle Side, Công ty cổ phần Air Link và Công ty cổ phần xây dựng Kiến Hưng Thịnh, nhóm doanh nghiệp này đã huy động thành công 14.760 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu, đều được TCBS đứng ra thu xếp. Điều quan ngại hơn là 3 cái tên thuộc nhóm doanh nghiệp này có nhiều năm kinh doanh triền miên thua lỗ, doanh số 0 đồng.

 

Lỗ triền miên vẫn hút thành công nhiều nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu

 

Ba pháp nhân WorldWide Capital, Air Link và Xây dựng Kiến Hưng Thịnh từng được biết đến, đều là những đơn vị nhận chuyển nhượng dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp), và cơ cấu tổ chức của hai trong ba doanh nghiệp này có liên quan đến Vạn Thịnh Phát.

 

Osaka Garden huy động khá thành công vốn từ kênh trái phiếu mặc dù doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ nhiều năm.

WorldWide Capital, Air Link và Xây dựng Kiến Hưng Thịnh, Hoàng Phú Vương là những tổ chức liên quan trong vụ án Vạn Thịnh Phát được TCBS tham gia hỗ trợ thu xếp hằng chục nghìn tỷ đồng vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp để đổ vào dự án có dấu vết Vạn Thịnh Phát.

 

Sau khi nhận chuyển nhượng dự án thành phần từ SDI Corp, các pháp nhân đã ký hợp đồng thế chấp tài sản với Techcombank – Khối khách hàng doanh nghiệp quy mô vừa vào ngày 29/3, một ngày trước khi phát hành các lô trái phiếu nêu trên.

 

Liên quan đến dự án này, trước đó, năm 2021, ba doanh nghiệp gồm Hoàng Phú Vương, Osaka Garden, Hoa Phú Thịnh đã huy động thành công hàng chục nghìn tỷ đồng từ kênh trái phiếu để rót vào dự án. Và TCBS cũng là bên đứng ra thu xếp cho những lô trái phiếu này.

 

Với WorldWide Capital, doanh nghiệp được thành lập vào tháng 7/2015, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Hiện, người đại diện pháp luật là bà Hồ Thị Nguyên Thủy.

 

Vào đầu tháng 10/2018, vị trí này từng do ông Trương Hồng Võ “tráng men”, sau đó rút khỏi “ghế” chỉ sau 16 ngày tại vị. Ông Trương Hồng Võ cũng là cổ đông sáng lập và đại diện pháp luật của công ty cổ phần Capital One Financial, một doanh nghiệp thành lập hồi tháng 9/2018, có nhiều liên hệ với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và từng gây chú ý khi tham gia đấu giá khu đất Thủ Thiêm hồi tháng 12/2021.

 

Sau nhiều năm hoạt động, vốn chủ sở hữu của WorldWide Capital sát mốc 300 tỷ đồng và đính kèm “combo” chuỗi ngày thua lỗ cùng khoản doanh thu 0 đồng. Trong các năm từ 2016 – 2020, WorldWide Capital lần lượt lỗ 216 triệu đồng, 87,1 triệu đồng, 126 triệu đồng, 131 triệu đồng và 133 triệu đồng.

 

Đối với Air Link, doanh nghiệp được thành lập vào tháng 6/2015 với tên gọi ban đầu là công ty cổ phần Đầu tư Sheen Power, vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Thời điểm đó, cổ đông sáng lập nắm tỷ lệ lớn nhất (49%) tại Air Link là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Sài Gòn Star, một doanh nghiệp vừa được thành lập trước đó một năm. Một trong những thành viên HĐQT của Sài Gòn Star là ông Thái Bảo Anh, người đứng đại diện pháp luật cho hàng loạt doanh nghiệp khác, trong đó có Công ty cổ phần Đầu tư Mê Linh Square, doanh nghiệp do ông Ngô Văn An làm Chủ tịch HĐQT. Ông Ngô Văn An được biết đến là nhân sự lãnh đạo bộ phận phát triển dự án thuộc Sunny World – Công ty con của Vạn Thịnh Phát.

 

Tương tự như WorldWide Capital, Air Link cũng là doanh nghiệp từng có chuỗi ngày dài kinh doanh thua lỗ. Trong giai đoạn từ 2016 – 2020, Air Link chưa từng phát sinh doanh thu và ghi nhận các khoản lỗ kéo dài trong nhiều năm tồn tại lần lượt là 216 triệu đồng, 41,4 triệu đồng, 103 triệu đồng, 193 triệu đồng và 190 triệu đồng.

 

Về Eagle Side, trong 4 năm hoạt động (2017 – 2020), doanh thu của Eagle Side ở mức 0 đồng. Điều này khiến lợi nhuận của Eagle Side luôn trong tình trạng báo lỗ. Cụ thể, năm 2017, Eagle Side lỗ 47,5 tỷ đồng; năm 2018, Eagle Side tiếp tục lỗ 220 triệu đồng. Năm 2019, Eagle Side bất ngờ báo lãi 281 triệu đồng. Dù vậy, niềm vui của Eagle Side chỉ kéo dài trong 1 năm, sang năm 2020, Eagle Side tiếp tục ghi nhận mức lỗ 180 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, sau khi phát hành trái phiếu, tại ngày 10/1/2022, vốn điều lệ của Eagle Side đã nâng lên mức 739,5 tỷ đồng, Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là bà Ngô Thái Mỹ (SN 1992).

 

Về phần Công ty cổ phần xây dựng Kiến Hưng Thịnh, doanh nghiệp được thành lập vào tháng 6/2020 với tên gọi ban đầu là Well Merit. Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 330 tỷ đồng, do bà Lê Thị Mao nắm 55%. Bà Mao đồng thời là đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc tại doanh nghiệp. Bên cạnh bà Mao, hai cổ đông sáng lập khác là ông Đặng Văn Danh nắm 25% và ông Lê Trung Thiện nắm 20%. Ông Danh và bà Mao cũng là cổ đông sáng lập tại Công ty cổ phần xây dựng Trường Vĩnh Phát, một doanh nghiệp do ông Danh đứng tên đại diện pháp luật.

 


Dự án Sài Gòn Bình An từng được Sacombank định giá lên tới 19.500 tỷ đồng (ảnh nguồn: Internet).

 

Động thái đáng chú ý là một tuần sau khi hoàn tất đợt phát hành trái phiếu nêu trên, ngày 8/4, Kiến Hưng Thịnh đã tăng vốn điều lệ lên gần 1.235 tỷ đồng, tại thời điểm đó cơ cấu cổ đông mới cũng chưa được doanh nghiệp này công bố.

 

Từ những thống kê nêu trên cho thấy, Techcombank và TCBS đã tham gia khá nhiều vào các thương vụ thu xếp vốn qua kênh trái phiếu, và phần đa các thương vụ thu xếp vốn này đều có liên quan đến Vạn Thịnh Phát và dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An. Hiện dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An đã được Masterise Group (doanh nghiệp “thân tín” của Techcombank) đổi tên thương mại thành dự án The Global City.

 

Điều quan ngại là cả Techcombank và TCBS đã rất tích cực hỗ trợ nhiều doanh nghiệp liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, sử dụng dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An để huy động hàng chục nghìn tỷ đồng vốn qua kênh trái phiếu.

 

Không những thế, Techcombank cũng tham gia trực tiếp bơm rất nhiều tiền cho dự án này. Câu hỏi lớn đặt ra là dòng tiền đó đổ về đâu và nhóm nào là bên đang thụ hưởng? Sẽ rất cần câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan bảo vệ pháp luật khi vụ án Vạn Thịnh Phát được sáng tỏ.

 

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo không hình sự hóa quan hệ kinh tế, nhưng với những sai phạm, hoặc từ sự hiểu biết mà cố tình gian lận làm méo mó thị trường vốn bằng nhiều chiêu trò khác nhau, gây ảnh hưởng tới kinh tế, thì nên chăng cũng cần phải xử nghiêm để cảnh tỉnh và răn đe như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định nhiều lần trong công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng ta?

 

Phạm Giang
Theo Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại


Chủ đề:
Cùng thể loại
Xem nhiều