Hội nghị “Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – RCEP” đã được tổ chức vào sáng 13/7.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khai thác tối đa và hiệu quả các cơ hội do hiệp định RCEP đem lại nhằm thúc đẩy xuất khẩu và phát triển kinh tế, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – RCEP” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đồng chủ trì hội nghị.
Hơn 2 năm qua là thời gian thử thách chưa từng có đối với mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam bởi đại dịch Covid-19. Song, nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Đặc biệt là về xuất, nhập khẩu hàng hoá với kim ngạch lần đầu tiên đạt mức 670 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, trong đó xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19% (vượt 15% so với kế hoạch), duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỷ USD. Sáu tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – RCEP” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến sáng 13/7
Trong những thành tích nổi bật đó, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Đến nay, nước ta đã ký kết và thực thi 17 FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trở thành một trong những nước đi đầu khu vực tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương, trong đó gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – RCEP. Đây là Hiệp định thương mại tự do được 10 nước thành viên ASEAN và 05 nước đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Hiệp định này là sự kết nối 4 Hiệp định thương mại tự do hiện hành giữa ASEAN và các nước đối tác thành 1 Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới xét về quy mô dân số (chiếm gần 1/3 dân số thế giới và GDP toàn cầu).
Việc đưa Hiệp định RCEP với một quy tắc xuất xứ chung áp dụng cho 15 nước vào thực thi được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển các chuỗi cung ứng mới, đồng thời mở ra một không gian sản xuất chung và một “siêu” thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài trong khu vực, bởi các nước tham gia Hiệp định RCEP có nhiều nước được xem như là nơi sở hữu, cung ứng nguyên liệu, vật tư chiến lược lớn của thế giới (như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN) và là các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm trên 1/2 tổng kim ngạch thương mại của cả nước.
“Đây sẽ là những điều kiện quan trọng, tạo thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam đa dạng và tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời tạo thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.” – Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh vai trò của RCEP trong phát triển kinh tế
Sau khi được thực thi đầy đủ, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới và GDP toàn cầu. Những cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đặc biệt là việc áp dụng một quy tắc xuất xứ chung cho 15 nước trong Hiệp định, sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng mới trong Khu vực mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia.
Đồng thời, Hiệp định cũng tạo lập một không gian sản xuất chung và mở ra một “siêu” thị trường xuất khẩu quy mô lớn, ổn định, lâu dài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là đối với ngành nông nghiệp, bởi Khu vực này có 3 trong 4 thị trường xuất khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam và đang còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra vì các nền kinh tế trong Khu vực đều có năng lực cạnh tranh khá cao, kể cả ở những lĩnh vực mà nước ta có thế mạnh. Hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam sẽ bị sức ép cạnh tranh rất lớn, nhất là trong bối cảnh nước ta còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần chủ động thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội để cạnh tranh thành công ở cả thị trường trong nước cũng như trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh cơ hội, cũng có nhiều khó khăn, thách thức do Hiệp định RCEP đặt ra vì các nền kinh tế trong Khu vực đều có năng lực cạnh tranh khá cao, kể cả ở những lĩnh vực mà nước ta có thế mạnh.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Hiệp định RCEP, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước khai thác tối đa và hiệu quả các cơ hội, lợi ích, cũng như giảm thiểu các nguy cơ, thách thức mà Hiệp định có thể mang lại, Hội nghị đã thảo luận, khuyến nghị nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, giúp các địa phương, hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đa dạng hoá thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
“Bộ Công Thương hoan nghênh và đánh giá cao các kiến nghị thiết thực của các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội doanh nghiệp tại Hội nghị hôm nay; đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương sớm hoàn tất việc ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định theo chức năng, nhiệm vụ được giao để bảo đảm công tác thực thi Hiệp định được hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi và xây dựng các chương trình hỗ trợ, đào tạo kỹ năng chuyên sâu, giúp các ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.” – Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau Hội nghị này, với trách nhiệm là Cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức “Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP”, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo; đồng thời, luôn đồng hành, hỗ trợ các địa phương, ngành hàng và doanh nghiệp để có thể tận dụng tốt nhất những ưu đãi của Hiệp định, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Thu Thuỷ – Cấn Dũng
Theo Báo Công Thương