TP. Hồ Chí Minh: Làng nghề gốm Hưng Lợi nguy cơ mai một

44 lượt xem
Thuở Sài Gòn sơ khai, làng nghề gốm Hưng Lợi (phường 16, quận 8) được các nhà khảo cổ học nghiên cứu và đánh giá tuổi đời hơn 300 năm
TP. Hồ Chí Minh: Làng nghề gốm Hưng Lợi nguy cơ mai một
Thuở Sài Gòn sơ khai, làng nghề gốm Hưng Lợi (phường 16, quận 8) được các nhà khảo cổ học nghiên cứu và đánh giá tuổi đời hơn 300 năm. Khu di tích lịch sử này cũng là công trình khảo cổ học duy nhất tại TP. Hồ Chí Minh.

Làng nghề gốm Hưng Lợi – xóm Lò Gốm, Sài Gòn xưa đã có những điều kiện thuận lợi, nguyên liệu ở đây cũng thích hợp cho việc sản xuất các loại gốm gia dụng và gốm xây dựng. Từ cuối thế kỷ XIX quá trình đô thị hóa diễn ra ở Sài Gòn – Bến Nghé và một số tỉnh ở Nam Bộ, sản phẩm của Xóm Lò Gốm có thêm các loại hình mới phục vụ nhu cầu xây dựng, trang trí kiến trúc của Đình, Chùa, Hội quán, phố chợ, công sở, nhà ở…

Những năm 1970, bên kênh Lò Gốm khu vực quận 6 và quận 8 có một làng chuyên làm nghề lò gốm làm bằng đất nung với khoảng 30 cơ sở, do quá trình đô thị hóa, nhiều cơ sở đã dẹp bỏ, chỉ còn cơ sở Năm Tiếp vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.


 gốm của ông Năm Tiếp tại phường 16, quận 8, TP HCM

Sau này, đất nước hiện đại hóa, cuộc sống của người dân càng hiện đại, bếp ga, bếp điện dần thay thế bếp than khiến các lò gốm đất dần dần mất đi. Hiện tại, chỉ còn duy nhất cơ sở Hưng Lợi của ông Trần Văn Tiếp (Năm Tiếp) còn hoạt động. Gần 50 năm gắn liền với nghề làm gốm, cơ sở của ông Năm Tiếp là nơi duy nhất lưu giữ cái nghề đã mai một giữa trung tâm Sài Gòn hào nhoáng. Ngoài ra, trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, làng nghề bên kênh Lò Gốm cũng có nhiều thay đổi. Diện tích của những lò gốm nơi đây ngày càng bị thu hẹp, nguồn cung cấp nguyên liệu sẵn có ở thành phố dần dần không còn đáp ứng nổi.

Cùng với đó, người làng theo nghề cũng ít dần. Hiện nay, lò gốm thuộc dạng lớn nhất ở đây là của ông Năm Tiếp chỉ có 30 nhân công làm việc thường xuyên, trong đó với hơn chục người có thâm niên cao, nhiều kinh nghiệm thay phiên nhau túc trực, sản phẩm làm ra cũng chỉ còn tập trung vào bếp đất nung. Thế nhưng không phải vì vậy mà không khí lao động ở lò gốm kém phần khí thế. Ngược lại, mỗi buổi sáng sớm các thợ gốm lại tất bật với công việc của mình và lò nung lúc nào cũng luôn đỏ lửa, đặc biệt là vào dịp cuối năm và chuẩn bị cho Tết ông Táo.

Dù cuộc sống ở Sài Gòn đã thay đổi rất nhiều so với những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng nhờ duy trì các mẫu sản phẩm truyền thống, đồng thời cũng chú trọng đến việc cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng của sản phẩm, nên cơ sở của ông Năm Tiếp vẫn ăn nên làm ra. Sản phẩm ở đây được phân chia làm 6 mẫu mã kích thước khác nhau. Giá dao động từ 30.000– 160.000 đồng/cái.

Theo ông Năm Tiếp, nguyên liệu để sản xuất “ông lò” của cơ sở ông được lấy từ Long An, Tiền Giang, vận chuyển qua đường thủy, nối giữa sông Bến Lức đến rạch Ruột Ngựa (quận 8), bao gồm đất sét, trấu, xơ dừa. Đất sét sau khi được phối trộn sẽ được tạo hình thành sản phẩm bếp lò. Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ, bếp lò dần được tạo hình. Bếp lò sau khi được tạo hình sẽ được mang đi phơi khô dưới nắng và cho vào lò nung.Ngoài ra, để đảm bảo tuổi thọ cho sản phẩm, tránh bị nứt khi nấu nướng, các bếp lò còn được gia cố thêm khuôn nhôm xung quanh mà những người thợ gọi vui là mặc giáp cho “ông Táo”. Bình quân mỗi ngày cơ sở của ông Năm Tiếp xuất ra thị trường gần 500 bếp lò. Nhưng cận Tết số lượng tăng gấp 3 lần, để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận.

Có thể nói, làng nghề thủ công truyền thống ngoài việc tạo việc làm cho người tại chỗ, còn cung cấp việc làm cho một số người làm dịch vụ cung cấp nguyên liệu, dịch vụ hoàn chỉnh và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, làng nghề cũng là nơi cộng đồng dân cư có chung lối sống văn hóa, yêu lao động, cần cù, giản dị, tiết kiệm; Sống đùm bọc, giúp nhau cùng rèn luyện tay nghề. Phát triển làng nghề còn liên quan đến bảo tồn văn hóa cơ sở tạo để nơi đây không có đất để văn hóa phẩm độc hại, các tệ nạn: ma túy, cờ bạc, rượu chè, đua xe… nảy nở. Cũng chính từ đó mà nảy sinh nhận thức “làng nghề thủ công truyền thống chắc chắn sẽ đóng góp tích cực, thiết thực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”. Và nghề làm gốm ở Hưng Lợi tồn tại hơn 300 năm vẫn giữ được lửa lò như nó vốn có, nhưng để gìn giữ và phát triển làng nghề này cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của cơ quan chức năng.

Hùng Trần
Theo https://langngheviet.com.vn/lang-nghe-nghe-nhan/tp-ho-chi-minh-lang-nghe-gom-hung-loi-nguy-co-mai-mot.html31860

Chủ đề:
Cùng thể loại
Xem nhiều