Khái quát về các làng nghề vùng Đông Nam bộ
Đông Nam bộ gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu. Cả vùng chiếm khoảng 45% GDP, 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu cả nước. GRDP tính theo đầu người cao gấp 2 lần mức bình quân của cả nước; hơn 1,7 lần so với vùng Đồng bằng sông Hồng; có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng luôn cao hơn khoảng 1,3 lần đến 1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước (ĐCSVN, 2019).
Khảo sát cho thấy vùng Đông Nam bộ hiện đang duy trì được hệ thống các làng nghề phong phú và đa dạng như: TP. Hồ Chí Minh có các làng mành trúc Tân Thông Hội; Chằm nón Tằm Lanh; Rổ rá Mũi Lớn, Thái Mỹ; Làng rế Phước Vĩnh An; bánh tráng Phú Hòa Đông; Đan bồ An Nhơn Tây; đan đệm Tân Túc; Dệt chiếu Nam Đa Phước; rượu An Phú Tây; Nem Thủ Đức; dệt Bảy Hiền; Thuộc da Phú Thọ; Thủy tinh Phú Thọ; Lồng đèn Phú Bình; Đúc lư đồng An Hội; dệt chiếu Bến Hải; Giày Khánh Hội; Xóm chổi bông cỏ, chổi lông gà; Dệt chiếu Bình An; Bao giấy Bình Đông; đóng sửa ghe cầu Rạch Ông; gốm Long Bình; Chạm khắc gỗ Trung Mỹ Tây,…
Bà Rịa – Vũng Tàu có các làng: Gạch ngói, gốm Long Mỹ; Mộc, điêu khắc gỗ, đúc đồng Long Điền; Đá Tân Thành, đá Hòn Cau (Côn Đảo); Làng cá Phước Hải; Bánh tráng An Ngãi; Rượu, bánh tráng, bánh canh, bánh hỏi Hòa Long; Mỹ nghệ sò ốc Vũng Tàu; nước mắm, đóng tàu, trồng rau Kim Dinh; Bún Long Kiên,…
Đồng Nai có các làng gốm Biên Hòa; bưởi Tân Triều; Gỗ mỹ nghệ Xuân Tâm; Gốm Tân Vạn; Điêu khắc đá Biên Hòa; Dệt thổ cẩm Tà Lài; Gỗ mỹ nghệ Thành Nhân,…
Bình Dương có các làng nghề: Gốm sứ Tân Phước Khánh, Lái Thiêu, Chánh Nghĩa; Sơn mài Tương Bình Hiệp, Tân An; Guốc, chày cối, thớt Phú Thọ; Điêu khắc gỗ Phú Thọ, Chánh Nghĩa, An Thạnh; Mây tre đan Lạc An, Phú An An Điền,…
Bình Phước có các nghề: Dệt thổ cẩm Bù Đăng; Gốm sứ, mây tre đan Bù Đốp, Chơn Thành; Sinh vật cảnh Đồng Xoài,…
Tây Ninh có các làng nghề: Bánh tráng Trảng Bàng; Mây tre nứa Trảng Bàng, Châu Thành, Hòa Thành, Bến Cầu; Chằm nón Ninh Sơn; Rèn ở Lộc Trát; Đúc gang Trường Thọ; Mộc Hiệp Tân, Trường Tây; Bánh chưng, bánh giò, bánh tét Thái Bình, Ninh Thạnh; Làm muối tôm ở Gò Dầu, Trảng Bàng,…
Những ảnh hưởng của đô thị hóa đến các làng nghề Đông Nam bộ
Thứ nhất, ảnh hưởng về vùng nguyên liệu: Đô thị hóa dẫn đến hệ lụy thấy rõ là quỹ đất nông thôn liên tục bị thu hẹp, kéo theo thiếu diện tích đất dành cho việc chuyên canh nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ và một số mặt hàng khác của các làng nghề. Khi người dân không tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào buộc họ phải nhập từ bên ngoài thông qua hệ thống các doanh nghiệp, công ty tư nhân theo hình thức kinh doanh trung gian khiến việc sản xuất của các làng nghề bị phụ thuộc nhiều vào nguồn cung bên ngoài cả về chất lượng, số lượng và giá cả. Ðất cho sản xuất không chỉ là khó khăn đối với các doanh nghiệp hiện có trong làng nghề mà còn là khó khăn lớn đối với việc mở mang thêm các hộ sản xuất và doanh nghiệp làng nghề.
Thứ hai, ảnh hưởng về cạnh tranh: Đô thị hóa tạo ra thị trường mở cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ và hàng hóa của một số làng nghề. Nhưng cũng từ đây, sự cạnh tranh kinh tế giữa các làng nghề và một số làng nghề ở các địa phương khác, quốc gia khác càng trở nên gay gắt, nhất là khi mạng lưới liên kết giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp chủ yếu còn mang tính địa phương cục bộ. Áp lực cạnh tranh khiến cho thị truờng của các làng nghề bị thu hẹp, khó tìm kiếm đuợc các đơn hàng mới.
Thứ ba, ảnh hưởng về môi trường: Do sử dụng thường xuyên các loại nhiên liệu, hóa chất và vật tư trong công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm, trong đó than là nguyên liệu được sử dụng phổ biến và gây ô nhiễm nhiều nhất. Ô nhiễm môi trường nước do nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất, như các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, dệt nhuộm,… môi trường đất do các chất thải rắn sinh ra, chủ yếu do các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm, dệt nhuộm, gốm sứ, tái chế giấy,… Ô nhiễm tại làng nghề không chỉ trực tiếp gây ra các bệnh nghề nghiệp ảnh huởng đến sức khỏe và tuổi thọ của chính người dân làng nghề mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống và sự phát triển kinh tế, xã hội của nhân dân nhiều vùng xung quanh.
Thứ tư, ảnh hưởng về tổ chức sản xuất: Hầu hết các làng nghề vùng Đông Nam bộ hiện tại là kết quả của việc phát triển theo hướng tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dưới dạng hộ gia đình chưa được đầu tư nhiều về công nghệ, dẫn đến năng suất, chất lượng thẩm mỹ của các sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh thấp. Việc tổ chức sản xuất phụ thuộc nhiều vào trình độ tay nghề của từng người trong gia đình, quy mô nhỏ, khép kín.
Tính tư hữu, bảo thủ nghề của từng gia đình, dòng họ được ưa chuộng hơn là việc tổ chức, phân công hợp tác sản xuất. Sự thiếu liên kết về tổ chức, huy động vốn đầu tư, công nghệ kỹ thuật sẽ hạn chế khả năng phát triển của các làng nghề. Chính việc phát triển theo kiểu phân tán khiến làng nghề gặp phải những khó khăn, bị động trong nguồn cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, thiếu trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm.
Thứ năm, ảnh hưởng về khả năng tiếp cận thị trường: Những mặt hàng truyền thống độc đáo được sản xuất thủ công tại các làng nghề vùng Đông Nam bộ thời gian qua vốn chưa được chú ý, đầu tư nên chủng loại, kiểu dáng của sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, chất lượng chưa cao. Bên cạnh đó trong suốt thời gian dài các cơ sở ngành nghề nông thôn ít có cơ hội tham gia xuất khẩu trực tiếp, thường phải qua nhiều khâu trung gian nên không nắm bắt đầy đủ yêu cầu của khách hàng về mẫu mã, chất lượng, giá cả.
Một số làng nghề và các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp còn thiếu thông tin về thị trường, giá cả, pháp luật của Nhà nước cũng như luật pháp quốc tế, chậm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu công nghiệp, công tác quảng cáo, tiếp thị chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó nhiều làng nghề thiếu lao động kỹ thuật, lao động có trình độ cao do đó việc ứng dụng những tiến bộ khoa học – công nghệ gặp những khó khăn nhất định, số lượng thợ kỹ thuật chuyên đi vào nghiên cứu, sáng tác mẫu mã thực sự còn ít, chưa được đào tạo cơ bản mà chủ yếu là do sự mày mò, tự học hỏi của người lao động.
Giải pháp để bảo tồn phát triển các làng nghề vùng Đông Nam Bộ
Quy hoạch lại các làng nghề: Hiện nay, các cơ sở sản xuất – kinh doanh làng nghề vùng Đông Nam bộ chủ yếu tồn tại dưới hình thức hộ kinh tế gia đình, nhà xưởng chật hẹp, môi trường bị ô nhiễm, ít có khả năng mở rộng sản xuất, kết cấu hạ tầng cho sản xuất – kinh doanh không đảm bảo. Việc quy hoạch phát triển nghề, làng nghề phải đặt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng và từng địa phương, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống đường giao thông, vùng nguyên liệu, quy hoạch phát triển thương mại, dịch vụ có tính liên kết giữa các tỉnh thành trong toàn vùng. Quy hoạch về phát triển ngành nghề, các cụm làng nghề phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất làng nghề với các cụm dân cư, với sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong quy hoạch cần phải chọn những ngành nghề nào có thế mạnh của từng địa phương để ưu tiên phát triển.
Cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho các làng nghề: Để đảm bảo vốn cho sản xuất làng nghề phát triển, cần giữ ổn định môi trường kinh tế – xã hội,… để các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh yên tâm đầu tư nhằm khai thác tốt nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư ở nông thôn, chủ động hơn về vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh ở làng nghề. Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn, phương thức huy động vốn và phương thức cho vay để tập trung đầu tư phát triển làng nghề. Bên cạnh đó, cần tranh thủ các nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong nước, các tổ chức phi chính phủ, các chương trình, dự án của Trung ương hoặc hình thức liên kết kinh tế thông qua việc cung ứng nguyên, vật liệu, thiết bị máy móc và bao tiêu sản phẩm ở các làng nghề.
Nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho các làng nghề: Khuyến khích và hỗ trợ làng nghề ứng dụng thiết bị, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất là việc cần làm thường xuyên vì vậy, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan như Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho việc phát triển làng nghề bằng việc mở rộng quy mô đào tạo và đa dạng hóa các hình thức dạy nghề. Kết hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức các khoá đào tạo giúp đỡ người lao động nâng cao trình độ mỹ thuật, kỹ thuật để họ có thể tự tạo ra những mẫu mã sản phẩm đẹp, phong phú và có tính mỹ thuật cao. Thực hiện chế độ khuyến khích các cán bộ khoa học kỹ thuật, các nhà khoa học, các nhà quản lý tham gia phổ cập kiến thức, đào tạo cho lao động ở làng nghề nói riêng và khu vực nông thôn nói chung.
Quan tâm phát triển thị trường cho các làng nghề: Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế khu vực làng nghề tìm kiếm, khai thác mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của làng nghề thông qua các hình thức như quảng cáo, tham gia triển lãm, hội chợ trong nước và ngoài nước. Tạo thị trường tại chỗ cho các làng nghề phát triển sản xuất. Từng bước hoàn thiện hệ thống chợ, hình thành các chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm, để mua, bán, phát hiện nhu cầu, bố trí hệ thống siêu thị, hệ thống cửa hàng gắn với quy hoạch đô thị ở nông thôn, thị trấn, thị tứ và đô thị, gắn sản xuất với du lịch, xuất khẩu. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường nhằm đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về các hoạt động mua bán trên thị trường.
Đầu tư xây dựng thương hiệu cho làng nghề: Để làm được điều này, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ và bản thân các làng nghề cần đăng ký thương hiệu, tổ chức liên doanh liên kết, thu hút các nghệ nhân và thợ giỏi tham gia sản xuất những sản phẩm với chất lượng cao, giữ vững thương hiệu và đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ người sản xuất về giá trị của thương hiệu. Cần khuyến khích thành lập các hiệp hội ngành nghề có nhiều thành phần kinh tế tham gia, liên kết các khâu trong quá trình tái sản xuất, kinh doanh thương mại; Trao đổi, rút kinh nghiệm, phân công hợp tác sản xuất giúp nhau thông tin về khoa học công nghệ và thị trường, bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh. Tăng cường hợp tác liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế, giữa công nghiệp ngoài quốc doanh với làng nghề, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế với các làng nghề, đặc biệt là các hộ sản xuất và các tổ chức kinh tế.
Nhìn chung trong quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển các làng nghề vùng Đông Nam bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, quy mô các làng nghề nhỏ bé, kỹ thuật sản xuất thủ công, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh sản phẩm làng nghề chưa cao, do đó thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp. Đặc biệt, môi trường tại các làng nghề còn ô nhiễm nặng, việc khai thác tài nguyên cho sản xuất còn kém hiệu quả, một số làng nghề đã không tìm được thị trường đầu ra cho sản phẩm, bị mai một dần dẫn đến bản sắc văn hóa của địa phương cũng bị mai một theo. Để các nghề, làng nghề Đông Nam bộ được bảo tồn và phát triển, các cấp chính quyền cũng như bản thân các làng nghề, hộ nghề phải thực hiện đồng bộ chính sách và giải pháp kinh tế – xã hội nhằm khuyến khích, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo môi trường thuận lợi cho làng nghề phát triển trong bối cảnh đô thị hóa và hội nhập như hiện nay.