Thay đổi thể chế, chính sách là động lực để phát triển làng nghề và sự cần thiết xây dựng “Luật Làng nghề” ở Việt Nam

30 lượt xem
“Thể chế” là những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo, còn “Chính sách” là sách lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt một mục đích nhất định, dựa vào đường lối chính trị chung và tình hình thực tế mà đề ra
Thay đổi thể chế, chính sách là động lực để phát triển làng nghề và sự cần thiết xây dựng “Luật Làng nghề” ở Việt Nam
“Thể chế” là những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo, còn “Chính sách” là sách lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt một mục đích nhất định, dựa vào đường lối chính trị chung và tình hình thực tế mà đề ra. Chúng ta sẽ thấy rõ ảnh hưởng của thể chế và chính sách khi theo dõi sự phát triển của làng nghề Việt Nam theo dòng chảy lịch sử dân tộc.

TS. Tôn Gia Hóa; PCT. Hiệp hội làng nghề Việt Nam

Làng nghề Việt Nam được hình thành, phát triển trải qua nhiều hình thái chế độ xã hội nhưng có lẽ sâu sắc và rõ nét nhất là trong thời kỳ chế độ phong kiến tồn tại qua nhiều thế kỷ. Trong nhiều thời đoạn lịch sử, Nhà nước quân chủ tập quyền đã phát huy được tác dụng tích cực của mình, quy tụ và động viên được đông đảo quần chúng nhân dân, tạo nên giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của các làng nghề Việt nam. Điều này được chứng minh qua việc tất cả các làng nghề truyền thống được Nhà nước ta công nhận ngày nay, đều là những làng nghề được hình thành trong giai đoạn đó.


Nhà Đấu Xảo Hà Nội, Hà Nội năm 1902

Giữa thế kỷ XIX, chế độ phong kiến quan liêu Việt Nam đã đi vào cuộc khủng hoảng cơ cấu, vì không tạo nên được một cơ sở kinh tế – xã hội nội tại mới. Đó là  điều kiện thuận lợi dẫn đến sự can thiệp vũ trang của tư bản thực dân Pháp, tạo nên một cú va đập từ bên ngoài, làm sụp đổ mô hình truyền thống của chế độ phong kiến nhà nước quan liêu Việt Nam. Kinh tế Việt Nam thời Pháp thuộc là một nền kinh tế thuộc địa phát triển rất nhanh, các ngành tiểu thủ công nghiệp bản địa đang trên đà suy thoái được Pháp hỗ trợ phát triển. Người Pháp xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh bao trùm toàn bộ lãnh thổ gồm đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay và các đô thị lớn. Thủ công nghiệp Việt Nam từng có quá khứ huy hoàng nhưng đã suy tàn lại được Pháp khuyến khích và khai thác. Chính quyền thuộc địa chủ trương củng cố nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, nhiều khoá tập huấn nghề đã được thực hiện ở các tỉnh Hà Đông, Nam Định và một số nơi khác. Từ năm 1902, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer với chính sách “trọng thương”, đã tổ chức nhiều hội chợ quốc tế ở Hà Nội để giới thiệu các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp của Bắc Kỳ, cùng với hiện vật văn hóa của Đông Dương và Viễn Đông. Công trình “ Nhà đấu xảo Hà Nội” (Grand Palais Hà Nội) được xây dựng và trở thành công trình bề thế nhất xứ Đông Dương hồi đó. Đây là nơi trưng bày sản phẩm thủ công để so sánh độ tinh xảo và tay nghề của nghệ nhân, góp phần tạo ra công ăn việc làm cho nhiều làng nghề. Cũng nhờ đó mà lần đầu tiên các sản phẩm thủ công tinh xảo của Việt Nam như  lụa Hà Đông hay gốm Bát Tràng…được góp mặt trong các hội chợ ở Paris và có cơ hội xâm nhập thị trường châu Âu để từ đó tiến ra nhiều nước khác trên thế giới.

Giai đoạn hòa bình lập lại, từ năm 1954. Việt Nam cùng một lúc thực hiện hai chiến lược cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Nhà nước đề ra chính sách khôi phục tiểu thủ công nghiệp và công thương nghiệp, ban hành nhiều chính sách cho các cơ sở được phát triển sản xuất để phục vụ dân sinh. Hội nghị lần thứ mười sáu (4-1959) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) thông qua hai nghị quyết quan trọng về vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh: Về chính trị, vẫn coi giai cấp tư sản là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, về kinh tế không tịch thu tư liệu sản xuất của họ, mà dùng chính sách chuộc lại, thông qua hình thức công tư hợp doanh. Đây là thời kỳ hồi phục của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam và của hệ thống các làng nghề Việt Nam sau thời kỳ chiến tranh. Những nhu cầu tiêu dùng nội địa được đáp ứng bởi những cơ sở Hợp tác xã hoặc cơ sở công tư hợp doanh, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được xuất khẩu sang Liên Xô và các nước đông Âu thuộc phe XHCN dưới hình thức trao đổi, nhận lại bằng máy móc, thiết bị, công trình…phục vụ cho công cuộc tái thiết đất nước.


Làng nghề thu hút du khách

Tuy nhiên với những nhận thức sai lệch về CNXH, thể chế phát triển được chế định có những nội dung không phù hợp với quy luật khách quan, thể hiện ở cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chỉ công nhận sở hữu Nhà nước và sở hữu tập thể, coi sở hữu tư nhân và sở hữu cá thể của hộ nông dân là không phù hợp với bản chất của CNXH; không chấp nhận sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường…, sự chế định không đúng quyền tài sản, quyền làm chủ và tự do sản xuất kinh doanh của các chủ thể, không nhận thức đúng và tôn trọng quy luật kinh tế thị trường, không tôn trọng đầy đủ lợi ích kinh tế chính đáng của các chủ thể sản xuất kịnh doanh. Chính điều này đã làm triệt tiêu động lực phát triển – nguyên nhân cơ bản của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế – xã hội vào cuối những năm 1970 – đầu những năm 1980, dẫn đến khởi đầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước vào năm 1986. Đây là giai đoạn rất khó khăn của nghành tiểu thủ công nghiệp cũng như của các làng nghề trong cả nước, nhất là khi Liên Xô sụp đổ, kéo theo sự tan rã của các nước XHCN Đông Âu. Hàng thủ công Mỹ Nghệ Việt Nam mất một thị trường xuất khẩu quan trọng, các làng nghề lúc đó hoạt động dưới hình thức các HTX tiểu thủ công nghiệp lao đao, thậm chí đình trệ sản xuất.

Công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986, đã đặt những nguyên tắc mang tính nền móng, xây dựng một thể chế phát triển mới, trọng tâm là đặt mục tiêu xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm nội dung cốt lõi của thể chế phát triển.… Thể chế này khuyến khích tự do cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và quan trọng nhất là công nhận kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của công cuộc phát triển đất nước, xác lập và bảo vệ quyền tự do sản xuất kinh doanh, tôn trọng và bảo vệ lợi ích kinh tế chính đáng; xác lập thể chế kinh tế thị trường; phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đặt mỗi con người, mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh trở thành chủ thể của chính mình. Điều này khiến các làng nghề Việt Nam như được “cởi trói”, các nghệ nhân, thợ thủ công, các HTX tiểu thủ công nghiệp đã tìm được không gian để sáng tạo trong lao động sản xuất, sản phẩm của các làng nghề lại một lần nữa có dịp giới thiệu qua các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế. Hàng thủ công mỹ nghệ Việt nam đã có mặt ở 106 nước trên thế giới.

Đại hội XI của Đảng xác định “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” là một đột phá chiến lược. Đến nghị quyết của BCHTW khóa XII của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã nhấn mạnh phải “Hoàn thiện thể chế kinh tế đi đôi với hoàn thiện thể chế chính trị”; phải “Cơ bản bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường, sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững”. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; Khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Liên tục trong các kỳ Đại hội gần đây, Đảng ta luôn khẳng định tiếp tục hoàn thiện thể chế là một trong ba khâu đột phá, đó là: (1) Hoàn thiện thể chế; (2) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (3) Xây dựng kết cấu hạ tầng.

Các Nghị quyết của Đảng về thay đổi và hoàn thiện các thể chế về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế đã tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của các làng nghề Việt nam. Từ sự phát triển tự phát trước năm 2000, các làng nghề Việt nam dần đã được định hình, phân loại để hỗ trợ phát triển thông qua những chính sách về tài chính, đầu tư công cho cơ sở hạ tầng cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá sản phầm…. Hệ thống chính sách của Nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại hay suy vong của các làng nghề, thậm chí còn có thể làm tiêu vong cả một làng  nghề truyền thống nếu sự tồn tại của nó không hiệu quả. Ví dụ như trường hợp các làng nghề  sản xuất pháo trước đây và một số làng nghề tái chế…

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 132/2000/QĐ-TTG ngày 24 tháng 11 năm 2000 về một số chính sách phát triển Ngành nghề nông thôn là một trong những quyết định đầu tiên điều chỉnh các vấn đề liên quan đến ngành nghề nông thôn và làng nghề. Sau Quyết định này, nhiều vấn đề của Làng nghề dần được quan tâm, giải quyết từng bước, như các vấn đề về mặt bằng sản xuất, tín dụng, bảo vệ môi trường…. Đặc biệt Quyết định này cũng lần đầu tiên đặt ra vấn đề cần phải có chính sách tôn vinh nghệ nhân trong các làng nghề. Những năm sau đó, Chính Phủ đã ban hành và sửa đổi nhiều chính sách liên quan như: Nghị định khuyến khích phát triển Công nghiệp nông thôn năm 2004 (gọi tắt là “Khuyến Công”); Nghị định về phát triển nghành nghề nông thôn năm 2006, lần đầu tiên đưa ra các tiêu chí để công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống, qua đó có những chính sách hỗ trợ cụ thể, quy định xây dựng chương trình “Bảo tồn và phát triển làng nghề”;  Năm 2018, Chính phủ đã ban hành một Nghị định mới để thay thế ( Nghị định số: 52/2018/NĐ-CP về Phát triển ngành nghề nông thôn), quy định dành kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ các dự án, đề án, kế hoạch, mô hình thuộc chương trình”Bảo tồn và phát triển làng nghề”. Đây thực sự là cơ hội để các làng nghề có được nguồn đầu tư, hỗ trợ phát triển trong giai đoạn hiện tại. Các chính sách của Chính phủ lần lượt ra đời suốt 20 năm trở lại đây đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của các làng nghề Việt Nam theo hướng tích cực. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc cần giải quyết, đó là: (1) Vấn đề bảo vệ môi trường tại các làng nghề; (2) Vấn đề gìn giữ các giá trị văn hóa của các làng nghề; (3) Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và tôn vinh nghệ nhân, những “Báu vật nhân văn sống” của xã hội; (4) Vấn đề phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người lao động tại các làng nghề; (5) Khẳng định vai trò hoạt động của hội, hiệp hội nghề nghiệp trong các làng nghề.

Cũng còn một khó khăn khác, đó là vấn đề “quản lý nhà nước đối với làng nghề”: Làng nghề trước hết là một đơn vị dân cư, chịu sự điều chỉnh của các luật lệ hành chính, làng nghề lại đồng thời là một khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp đa ngành, bắt nguồn từ những hoạt động thời vụ, phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên lại đồng thời chịu sự quản lý của nhiều Bộ ngành từ trung ương đến địa phương. Mặc dù Chính phủ đã có sự phân công, giao cho Bộ NN&PTNT thống nhất quản lý lĩnh vực làng nghề, nhưng thực tế vẫn còn sự chồng chéo nhiệm vụ với Bộ Công Thương, cũng như sự phối hợp chưa nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý nhà nước với địa phương. Thực tế, đây là vấn đề khó và cần luôn được điều chỉnh để làng nghề được thụ hưởng đầy đủ những ưu đãi của Nhà nước trong công cuộc bảo tồn và phát triển làng nghề.

Có một số đề xuất dưới đây để xây dựng một hệ thống thể chế hỗ trợ cho sự phát triển bề vững của làng nghề:

– Xây dựng Luật về Làng nghề: Sự phát triển của làng nghề Việt Nam đến giai đoạn này đã bộc lộ rõ những vấn đề cần được phát huy, cũng như nhiều vấn đề cần được giải quyết thích đáng. Luật về làng Nghề sẽ điều chỉnh mối quan hệ giữa “phát triển” và “gìn giữ, bảo tồn” trên quan điểm hài hòa lợi ích cộng đồng với lợi ích Quốc gia. Luật làng nghề là một đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các làng nghề Việt nam.

– Xây dựng Luật về Hội: Đây là xu hướng khách quan của đời sống xã hội, một số hội, đoàn thể có tham gia vào hệ thống chính trị, do đó phải làm rõ các tổ chức (trong đó có Hội) nào là tổ chức chính trị? Các tổ chức nào là tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức nào chỉ thuần túy là tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp và xã hội tự nguyện, thiện nguyện (?!). Những sinh hoạt trong cộng đồng làng nghề hiện nay, nhất là các làng nghề truyền thống, hầu hết đều dựa vào sự gắn kết trong các hôi, hiệp hội nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương. Luật về Hội sẽ giúp cho các làng nghề phát huy được tính tự chủ, mở rộng liên kết, đoàn kết cộng đồng làng xã vì sự phát triển của quê hương, nâng cao đời sống của thợ thủ công.

– Trên cơ sở các đạo luật, cần cụ thể hóa bằng các cơ chế chính sách và thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan. Cần đẩy mạnh cải cách hành chính để đảm bảo thực hiện các cơ chế chính sách đã ban hành, khắc phục những rào cản, cơ chế “xin-cho” ảnh hưởng đến sự phát triển các làng nghề. Đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với nhau và với địa phương, tập trung nguồn lực xã hội để làng nghề Việt Nam phát triển một cách bền vững.

TS. Tôn Gia Hóa
PCT. Hiệp hội làng nghề Việt Nam
Theo https://langngheviet.com.vn/the-gioi/thay-doi-the-che-chinh-sach-la-dong-luc-de-phat-trien-lang-nghe-va-su-can-thiet-xay-dung-luat-lang-nghe-o-viet-nam.html30269

Chủ đề:
Cùng thể loại
Xem nhiều