Trình bày nội dung thuyết minh, ThS Lê Thị Thúy cho rằng, cung cấp dịch vụ công (giáo dục, y tế, tư pháp…) cho xã hội là một chức năng cơ bản của mọi nhà. Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, cải cách toàn diện nền hành chính quốc gia, học hỏi những hạt nhân hợp lý của mô hình quản lý công mới để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và phục vụ.

Vì vậy lĩnh vực cung cấp dịch công cũng không ngừng được đổi mới, hoàn thiện theo hướng giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước và xã hội hóa các dịch vụ cần thiết để khu vực tư đảm nhận việc cung ứng và nhà nước quản lý bằng pháp luật, tiêu chuẩn. Xã hội hóa dịch vụ công mang đến lợi ích cho cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Nhà nước giảm gánh nặng, tập trung hơn vào việc hoạch định, ban hành chính sách, quản lý vĩ mô, bộ máy gọn nhẹ hơn. Khu vực tư nhân có cơ hội đầu tư và cạnh tranh phát triển, sự cạnh tranh khiến cho dịch vụ công được rẻ hơn, tốt hơn và chuyên nghiệp hơn.

“Đây là một lĩnh vực vô cùng quan trọng vì tác động trực tiếp hằng ngày đến cuộc sống của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và cả cuộc sống, an sinh xã hội của người dân. Do đó, việc cung cấp dịch vụ công một cách chất lượng, chuyên nghiệp, minh bạch là nên tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội” – chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh.

Theo ThS Lê Thị Thúy, thời gian qua, việc cung cấp dịch vụ công đã phát sinh một số hạn chế do kinh nghiệm quản lý của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chưa nhiều, phương thức kiểm soát hoạt động chưa thực sự đầy đủ, phù hợp.

Trong đó có vấn nạn tham nhũng, tiêu cực trong cung ứng dịch vụ công. Kết quả khảo sát PAPI cho thấy điểm chỉ số cung ứng dịch vụ công từ 2019 đến 2022 có sự cải thiện từ 7.27 điểm lên 7.55 điểm. Tuy nhiên, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công lại giảm từ 2,01 điểm năm 2019 xuống 2 điểm năm 2022 ở 2 lĩnh vực thiết yếu là giáo dục và y tế.

Thực tế thời gian qua cũng thấy có nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện trong cung ứng dịch vụ công, bao gồm cả dịch vụ công do đơn vị của nhà nước cung cấp và dịch vụ công đã được xã hội hóa từ y tế, giáo dục tới kiểm định, công chứng… Dịch vụ giáo dục với hàng loạt phản ánh về tình trạng học thêm, dạy thêm, thu chi sai quy định cũng gây bức xúc trong dư luận xã hội…

Do đó việc nghiên cứu đề tài “Phòng, chống tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công” là cần thiết để tổng hợp, phân tích thực trạng phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam hiện nay. Qua đó đánh giá tổng thể các hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân đặt ra để từ đó tìm ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam thời gian tới.

Tcct

Toàn cảnh hội nghị thuyết minh. Ảnh: TH

 

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là làm sáng tỏ lý luận, chính trị, pháp lý và thực tiễn để đề xuất các giải pháp, kiến nghị cho việc phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công, đề tài nghiên cứu 3 nội dung chính: Cơ sở lý luận về phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công; Thực trạng phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam hiện nay; Quan điểm và giải pháp cho việc phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam thời gian tới.

Cho ý kiến vào thuyết minh đề tài, TS Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, ủy viên phản biện 1 cơ bản đồng ý với nội dung thuyết minh đề tài và cho rằng, đề tài có tính cấp thiết, đối tượng nghiên cứu phù hợp. Tuy nhiên, cần lược bớt một số công trình nghiên cứu, tập trung vào các công trình có liên quan; phạm vi nghiên cứu nên khuôn lại theo hướng dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích.

TS Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ủy viên phản biện 2 đồng ý với thuyết minh đề tài. Tuy nhiên, đề tài cần giới hạn lại phạm vi nghiên cứu cho rõ hơn. Về nội dung nghiên cứu, tập trung làm rõ hạn chế, phương pháp phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công.

ThS Văn Tiến Mai, Phó Cục trưởng Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra yêu cầu đề tài cần sửa lại “cung ứng” dịch vụ công thành “cung cấp dịch vụ công”; phạm vi nghiên cứu cần cụ thể hơn, xác định rõ tập trung vào lĩnh vực nào? Đối tượng nghiên cứu bổ sung lý luận về cung cấp dịch vụ công.

TS Nguyễn Văn Kim, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chủ tịch Hội đồng Thuyết minh đồng ý với nội dung thuyết minh của chủ nhiệm đề tài, đồng thời, yêu cầu đề tài cần làm rõ dịch vụ công là gì? Pháp luật điều chỉnh vấn đề này như nào? Khái quát thực trạng tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công.

Đề tài đã được thống nhất thông qua và được đưa vào kế hoạch nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ năm 2024 – 2025.

Thái Hải / Theo thanhtra.com.vn