Phương tiện thông tin thiết yếu trong công cuộc đấu tranh PCTN
Trong tham luận tại hội thảo khoa học quốc gia “Quan điểm định hướng kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam”, ThS Đào Trung Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra cho biết: Đảng, Nhà nước ta hết sức coi trọng vai trò của báo chí. Trong các nghị quyết của Đảng, Trung ương luôn đề cập và nêu cao trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội, động viên sự tích cực của nhân dân, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong đấu tranh chống tham nhũng.
Đại hội XIII của Đảng xác định, đấu tranh PCTN là sự nghiệp của toàn dân. Để thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả trên thực tiễn cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia; đồng thời có biện pháp nhằm động viên, khuyến khích khen thưởng những tổ chức cá nhân dám tố cáo hành vi tham nhũng, cơ chế bảo vệ những người tố cáo hành vi tham nhũng tránh sự trả thù hoặc trù dập…
Từ những quan điểm, định hướng của Đảng, nhiều chính sách, giải pháp về công tác PCTN được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng những quy định pháp luật. Theo Luật Báo chí, một trong những nhiệm vụ mà báo chí phải thực hiện đó là đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Tại Điều 75, Luật PCTN cũng nêu rõ: “Các cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh PCTN, đưa tin về hoạt động PCTN và vụ việc tham nhũng. Các cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí…”.
Rõ ràng, những quy định của pháp luật đã ghi nhận vai trò và chức năng hết sức quan trọng của báo chí trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực.
“Nhiều vụ việc từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng đã được phanh phui từ chính những thông tin phản ánh ban đầu trên các phương tiện thông đại chúng như: Vụ biển số xe xanh của ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; các vụ việc tham nhũng đất đai của một số quan chức ở Đồ Sơn, Hải Phòng; vụ nhân bản phiếu xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội… là những ví dụ điển hình về việc người dân tham gia PCTN thông qua báo chí”, ông Đào Trung Kiên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, phố biến giáo dục về PCTN, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, có nhiều đổi mới. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã thông tin, tuyên truyền sâu sắc, đậm nét hơn, mở nhiều chuyên mục mới, số lượng tin bài về PCTN, tiêu cực được đăng tải nhiều hơn.
Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra khẳng định: Với những kết quả đạt được trong thời gian quan, báo chí đã thực sự trở thành phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, diễn đàn của nhân dân, phát huy được vai trò, sức mạnh của mình trong công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực, thúc đẩy tiến bộ và sự phát triển của đất nước.
Đề cao trách nhiệm báo chí trong kiểm soát quyền lực nhằm PCTN
Theo Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra, để tiếp tục phát huy vai trò, đề cao trách nhiệm của báo chí trong đấu tranh PCTN, tiêu cực trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí, dư luận xã hội; tiếp tục hoàn thiện thể chế để cơ quan báo chí, các nhà báo chủ động tích cực tham gia đấu tranh PCTN, tiêu cực theo đúng quy định của pháp luật; đào tạo và nâng cao năng lực, nghiệp vụ, kỹ năng cho các nhà báo trong đấu tranh PCTN, tiêu cực; cần khuyến khích sự tham gia của công chúng trong đấu tranh PCTN, tiêu cực; tập trung sức mạnh báo chí, dư luận xã hội trong phản bác các thông tin, luận điệu, sai trái, xuyên tạc về cuộc đấu trạnh PCTN, tiêu cực ở nước ta hiện nay.
Các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan liên quan cần triển khai quy định của Luật Báo chí về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, trong đó phải quán triệt báo chí không chỉ tuyên truyền, phổ biến mà còn góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, pháp luật của Nhà nước trong đấu tranh PCTN, tiêu cực; phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; lên án các hành vi, vụ việc tiêu cực, các biểu hiện tham nhũng, lãng phí; định hướng dẫn dắt dư luận xã hội, góp phần xây dựng một lối sống lành mạnh, có trách nhiệm trong cộng đồng; cần thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời phát hiện các vụ việc, hiện tượng tiêu cực, phản ánh tới cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật…
Về các bộ, ngành, cơ quan PCTN, tiêu cực cần tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí để cung cấp, trao đổi thông tin về PCTN, tiêu cực; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho báo chí, dư luận xã hội tham gia có hiệu quả đấu tranh PCTN, tiêu cực; tích cực xây dựng môi trường dân chủ trong toàn xã hội, trong hoạt động của cơ quan báo chí, đẩy mạnh trách nhiệm đối thoại, giải trình, tinh thần công khai, minh bạch của các cơ quan tổ chức, để báo chí, nhân dân tham gia giám sát phản biện.
Đồng thời, đảm bảo các điều kiện để báo chí, truyền thông được cung cấp, tiếp cận thông tin một cách trực tiếp, kịp thời đối với các quyết định, nội dung hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi, công khai giải trình; cần quy định rõ danh mục thông tin bắt buộc phải công khai, đầu mối cung cấp thông tin; thiết lập đường dây nóng để trong trường hợp khẩn cấp, báo chí có thể liên lạc trực tiếp với người phát ngôn để thu thập thông tin được kịp thời, chính xác, tránh trường hợp phóng viên thu thập thông tin qua đường vòng, lãng phí thời gian và không đảm bảo nội dung và tính kịp thời.