Tham dự hội nghị có lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Nam Gujarat, gần 100 doanh nghiệp là thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp trong các lĩnh vực dệt may, dược phẩm, hóa chất, sản xuất kim cương…
Về phía Việt Nam có Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tham tán Công sứ Đỗ Thanh Hải và một số cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tham dự trực tiếp tại thành phố Surat; tham dự trực tuyến từ phía Việt Nam có chuyên viên Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Subhash Chandra, Giám đốc Công ty Du lịch Asia DMC.
Surat là thành phố ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, nằm ở cửa sông Tapti, gần với biển Ả Rập, nơi đây từng là một cảng biển lớn. Surat hiện là trung tâm thương mại và kinh tế ở Nam Gujarat, và là một trong những khu vực đô thị lớn nhất của miền tây Ấn Độ. Đây là thành phố lớn thứ hai ở Gujarat sau Ahmedabad và là thành phố lớn thứ 8 về dân số và mức độ phát triển lớn thứ 9 ở Ấn Độ.
Surat sẽ là thành phố phát triển nhanh nhất thế giới từ năm 2019 đến năm 2035, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Economic Times. Surat đã được trao giải “Thành phố tốt nhất” bởi khảo sát hàng năm về hệ thống thành phố của Ấn Độ (ASICS) vào năm 2013. Surat được chọn là thành phố công nghệ thông tin thông minh đầu tiên ở Ấn Độ được thành lập bởi sáng kiến của Microsoft liên kết với các chuyên ngành dịch vụ công nghệ thông tin Tata Consultancy Services và Wipro; Surat giành được Giải thưởng thành phố thông minh Netexplo năm 2019 với UNESCO ở hạng mục khả năng phục hồi; được chọn là một trong 20 thành phố của Ấn Độ được phát triển thành thành phố thông minh theo sáng kiến của Thủ tướng Narendra Modi. Surat được xếp vào danh sách thành phố sạch thứ hai của Ấn Độ tính đến ngày 21/8/2020.
Surat được mệnh danh là thành phố dệt may. Ngành công nghiệp dệt ở Surat chủ yếu tham gia vào các hoạt động sản xuất sợi, dệt, chế biến, thêu ren. Thị trường chính cho các sản phẩm dệt may của Surat là Ấn Độ và các nước châu Á khác. Khoảng 90% polyester được sử dụng ở Ấn Độ đến từ Surat và khoảng 65% sản lượng vải nhân tạo của Ấn Độ được thực hiện ở Surat.
Các công ty dệt tại Surat trang bị máy móc và công nghệ hiện đại nhập khẩu từ Đức và các nước châu Âu nên cho chất lượng, năng suất cao và thân thiện với môi trường. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Nam Gujarat, tất cả nước sử dụng cho ngành công nghiệp dệt tại Surat là lấy từ nguồn nước thải của thành phố qua xử lý, không lấy từ nguồn nước ngầm.
Surat, nổi tiếng với nghề cắt và đánh bóng kim cương, được mệnh danh là thành phố kim cương của Ấn Độ, doanh thu hàng năm đạt khoảng 24 tỷ USD.
Tại diễn đàn, Đại sứ Phạm Sanh Châu khẳng định, Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia có quan hệ truyền thống lâu đời và được vun đắp qua nhiều thế hệ. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Năm 2021 sẽ là năm kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và năm 2022 sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thương mại, đầu tư là 1 trong 5 trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ. Ấn Độ là 1 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 17 thế giới của Ấn Độ và đứng thứ tư tại Đông Nam Á. Mặc dù bị tác động bởi Covid-19 nhưng kim ngạch song phương vẫn tăng trưởng mạnh và với đà tăng trưởng này hy vọng 2 nước có thể sớm đạt hoặc vượt mốc kim ngạch thương mại song phương 15 tỷ USD trong năm 2022.
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài trình bày về thực trạng và kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua. Ấn Độ là nhà đầu tư trực tiếp đứng thứ 26 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn trên 900 triệu USD (không tính qua nước thứ 3), tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và miền Nam; đối với các lĩnh vực sản xuất và công nghiệp chế biến (55%), sản xuất và phân phối điện (24%), mỏ (10%), nông lâm thủy sản (6%). Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài nêu bật môi trường đầu tư thuận lợi của Việt Nam và các ưu đãi của Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tại diễn đàn, các bên chia sẻ về khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp thành phố Surat và các doanh nghiệp Việt Nam trên lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và tiềm năng gồm: dệt may, hóa chất, xây dựng thành phố thông minh, xử lý chất thải.
Các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến cơ hội xuất nhập khẩu sản phẩm dệt may, hóa chất, cao su tự nhiên… vui lòng liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ qua địa chỉ Email: in@moit.gov.vn
Một số hình ảnh tại hội nghị: