Những tín hiệu mới
Dưới đây, xin nêu lên một số tình hình, điều kiện và cũng là thời cơ mới – gọi chung là tín hiệu mới mà làng nghề chúng ta cần nắm bắt và khai thác.
Trước hết, đó là với chương trình tiêm chủng quốc gia lớn nhất đã và đang được triển khai và qua hai năm dịch bệnh Covid-19, người dân đã có ý thức phòng chống dịch, chúng ta đã kiểm soát được dịch Covid-19, chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, cũng tức là đã có điều kiện triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đương nhiên, việc mở cửa du lịch phải tùy thuộc vào tình hình phòng, chống dịch ở mỗi địa phương; các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề khi mở cửa du lịch phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch và xem đây là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.
Chính phủ đã quyết định triển khai “Năm Du lịch quốc gia 2022” nhằm quán triệt Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030; Đây là một đột phá chính sách cho phát triển Du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới, cụ thể hóa chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với yêu cầu ngành du lịch góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên; Tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; Đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Du lịch quốc tế đã được mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3/2022. Để tạo điều kiện thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, các cơ quan chức năng đã và đang tăng cường các biện pháp như: Khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam; Khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh; thực hiện việc công nhận hộ chiếu vacxin… Tuy nhiên, trong tình hình chiến sự Nga – Ukraine đang căng thẳng ảnh hưởng đến du lịch quốc tế, số lượng khách du lịch từ một số nước có thể giảm sút, chúng ta cần coi trọng du lịch nội địa mà du lịch làng nghề đang có nhiều tiềm năng.
Chính phủ đã quyết định tiếp tục áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ngành du lịch đã được thực hiện tới năm 2021, kéo dài tới hết năm 2023 như các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, an sinh xã hội và các chính sách khác như giảm tiền điện với các cơ sở lưu trú như giá điện sản xuất, giảm thuế đất, VAT, lãi vay, hỗ trợ hướng dẫn viên,…
Du lịch nông thôn (trong đó có du lịch làng nghề) đã được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, với những mức hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch như: Hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/điểm du lịch cho các hoạt động khảo sát, tư vấn xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ dưới 60 triệu đồng/hộ gia đình để mua sắm trang thiết bị ban đầu phục vụ khách du lịch (homestay); Hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, xóm, bản mua sắm bộ nhạc cụ, trang phục truyền thống,…
Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch
-Trước hết, xin nêu lên hai điểm cần được coi là quan điểm, định hướng chủ yếu cho du lịch làng nghề trong điều kiện “bình thường mới”.
Định hướng chủ yếu của du lịch làng nghề là giới thiệu cho du khách tinh hoa văn hóa làng nghề, những giá trị của nghề thủ công đã thể hiện rõ bản sắc của văn hóa Việt Nam, mặc dù trong hơn một nghìn năm đô hộ nước ta, bọn phong kiến Trung Quốc đã tìm mọi cách để đồng hóa, nhưng chúng đã thất bại. Điều đặc sắc là sản phẩm thủ công của mỗi vùng, miền đều mang tinh hoa văn hóa Việt, song lại có bản sắc riêng của mỗi vùng, miền, thể hiện trí tuệ, văn hóa, óc thẩm mỹ của cư dân bản địa. Thực tế cho thấy: Khách du lịch thường muốn thăm thú, tìm hiểu những cái khác biệt mang đặc trưng của nơi họ đến, mà địa phương họ hoặc đất nước họ không có, cái khác biệt ấy chính là văn hóa. Cần làm cho du khách hiểu rõ và thẩm thấu được đặc điểm này của du lịch làng nghề.
Một định hướng mới cần được nhấn mạnh, đó là tư duy về “Du lịch xanh”, coi đây là xu hướng chủ đạo của hoạt động du lịch ngày nay phù hợp với xu thế chung của thế giới trong bảo vệ môi trường. Thực hành “du lịch xanh” trước hết là vì sức khỏe của cư dân làng nghề, sức khỏe của khách du lịch, cũng là góp phần thực hành “kinh tế xanh” mà nước ta đã cam kết với thế giới tại Hội nghị của Liên hợp quốc (COP 26, tháng 11/2021). “Du lịch xanh” cùng với “Làng nghề xanh” sẽ tạo nên cảnh quan trong lành cho du lịch, bảo đảm một làng nghề sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn trong nông thôn mới. Du lịch xanh yêu cầu làng nghề không còn ô nhiễm; Sản phẩm hàng hóa làng nghề phải dùng nguyên liệu, nhiên liệu thân thiện với môi trường, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; Cư dân làng nghề có lối “sống xanh”, đường sá sạch đẹp, nói “không” với rác thải nhựa, v.v…
Dưới đây, xin nêu lên một số gợi ý về nâng cao chất lượng của sản phẩm du lịch làng nghề trong trạng thái “bình thường mới”, coi chất lượng sản phẩm là vấn đề cốt lõi để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch làng nghề.
Đối với các di sản văn hóa vật thể. Mỗi làng nghề chúng ta, nhất là làng nghề truyền thống đều có những giá trị đã trở thành di sản vật thể hoặc phi vật thể, những tài nguyên quý giá của dân tộc. Trong năm 2019-2020, Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”; Điều này cho thấy nước ta có thể định vị thương hiệu và phát triển các sản phẩm du lịch liên quan di sản. Làng nghề chúng ta phải có những cách làm mới để di sản tăng sức hấp dẫn đối với khách tham quan, du lịch trong nước và nước ngoài, để nhắc tới làng nghề là họ nghĩ ngay đến di sản.
Cần đổi mới việc giới thiệu di sản văn hóa vật thể với du khách, đó là các sản phẩm, các nơi thờ cúng các Vị Tổ nghề (có nơi đồng thời là Thành hoàng làng), các di tích văn hóa, lịch sử gắn với làng nghề… Tại các nhà bảo tàng làng nghề, khách không chỉ được tham quan không gian trưng bày giới thiệu di sản văn hóa của làng nghề địa phương, mà có thể của cả 54 dân tộc Việt Nam và một số dân tộc trên thế giới. Những hoạt động tương tác giữa khách du lịch với làng nghề cũng cần được thực hiện, như với nhóm khách gia đình, trường học; Khách có cơ hội khám phá, trải nghiệm qua các hệ thống âm thanh, màn hình tương tác; Chơi một số trò chơi dân gian; Thưởng thức các làn điệu dân ca truyền thống của địa phương…
Với những hàng hóa, những sản phẩm lưu niệm bán tại các điểm du lịch, cần tìm hiểu kỹ xu hướng tiêu dùng mới của khách du lịch, đặc biệt chú trọng ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, những sản phẩm sản xuất bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường … cùng những hình thức khuyến mãi, bảo hành. Để phù hợp với tình hình mới, cần mở rộng hình thức bán hàng qua mạng, trên sàn giao dịch điện tử.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể. Trong làng nghề, đó là các lễ hội truyền thống tôn vinh các Vị Tổ nghề hoặc tôn vinh nghề truyền thống, các tập quán, tín ngưỡng của làng nghề, song quan trọng nhất là giới thiệu nghề thủ công truyền thống, tức là những kỹ thuật, công nghệ, bí quyết nghề thủ công. Trong du lịch làng nghề, cần kết nối được di sản văn hóa phi vật thể với nghệ nhân là người tạo ra và nắm giữ chúng, nói cách khác là gắn liền di sản văn hóa phi vật thể với phẩm chất văn hóa, cảm xúc, tính thẩm mỹ, nghệ thuật thao tác của nghệ nhân. Việc giới thiệu những giá trị nói trên có thể thông qua các phòng trưng bày, giới thiệu các công cụ làng nghề truyền thống.
Cần tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa khách tham quan với nghệ nhân, để khách có thể chia sẻ, trực tiếp xem nghệ nhân trình diễn các thao tác hoặc tự mình trải nghiệm, để khách du lịch nắm bắt và thẩm thấu những giá trị văn hóa nghề thủ công của nước ta.
Ứng dụng công nghệ 4.0 trong du lịch
Trong tình hình mới, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, đồng thời khi các hoạt động kinh tế – xã hội chịu tác động của đại dịch Covid-19, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong “làng nghề số”, ứng dụng chuyển đổi số và giải pháp công nghệ hiện đại lại càng cần thiết. Thực hiện công nghệ số một cách toàn diện sẽ giúp du lịch làng nghề xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, thực sự là “Làng nghề số” tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh, phát triển bền vững.
Trong số các giải pháp công nghệ để góp phần xúc tiến du lịch làng nghề, có thể kể các công cụ như: ứng dụng internet; Trí tuệ nhân tạo (AI); kết nối IoT; Thực tế ảo… Đây là những ứng dụng cho các khâu trong hoạt động du lịch: (1) Đối với khách du lịch, là chọn điểm du lịch, tour, sản phẩm du lịch, giá cả, đặt chỗ khách sạn, homestay; đặt vé đi lại; (2) Đối với các công ty lữ hành, là tìm hiểu yêu cầu mới của khách du lịch; quảng bá tour, điểm du lịch; cơ sở lưu trú; giá cả; phương tiện đi lại; đào tạo hướng dẫn viên; (3) Đối với các tổ chức dịch vụ, là quảng bá các tiện ích cho khách du lịch; các hoạt động vui chơi giải trí tại điểm du lịch; phương tiện đi lại; (4) Đối với các cơ quan Nhà nước, đó là các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; quy dịnh về an ninh, an toàn; về bảo vệ môi trường; phong tục, tập quán của địa phương; về lập Quỹ Du lịch… Như vậy, ứng dụng công nghệ hiện đại trong toàn bộ các thành tố của du lịch là một chặng dường dài, làng nghề chúng ta có thể áp dụng từng bước, làm thử, rút kinh nghiệm và mở rộng dần.
Dưới đây là một ví dụ về “du lịch ảo” mà làng nghề chúng ta có thể áp dụng. Đó là tổ chức “Chuyến tham quan ảo” (Vitual Tour ) hoặc “Chuyến tham quan tương tác” (Interactive Tour) dựa trên nền tảng internet đang trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, trải nghiệm địa điểm du lịch trên internet của du khách, trước và trong chuyến đi. Các địa điểm du lịch hoặc các công ty du lịch có thể xây dựng tour ảo tương tác nhằm mô phỏng địa điểm du lịch thông qua các hình ảnh, video, các yếu tố đa phương tiện khác như hiệu ứng âm thanh, âm nhạc hoặc các bản tường thuật, giới thiệu, các văn bản. Yếu tố khiến tour ảo trở nên hấp dẫn với du khách chính là các công nghệ mới được áp dụng như ảnh 360°, video 360°, ảnh Panaroma, ảnh Flycam… giúp cho du khách có thể hiểu hơn về địa điểm sắp tham quan và kích thích được cảm hứng cho chuyến du lịch.
Tóm lại, trong điều kiện Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động kinh tế-xã hội nước ta bước vào một thời kỳ “bình thường mới”, làng nghề chúng ta cần tích cực hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2022 do Chính phủ phát động với xu hướng chủ đạo “Du lịch xanh” để vừa giới thiệu tinh hoa văn hóa làng nghè, vừa nâng cao thu nhập cho cộng đồng làng nghề, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của du lịch cả nước. Đây là những hoạt động rất quan trọng, có nhiều khó khăn, cần có tư duy mới và cách làm mới. Để bảo đảm hiệu quả, cùng với những nỗ lực của bản thân các làng nghề, rất cần sự trợ giúp về cơ chế, chính sách của Nhà nước và sự hướng dẫn, các hoạt động dịch vụ của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và các tổ chức xã hội liên quan.