Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ: Việt Nam đã tạo được uy tín vững chắc – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM) – ông Ramachandran AS, Tổng Giám đốc Ngân hàng Citibank Việt Nam gửi lời chúc mừng đến Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên toàn thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm quốc gia dài hạn từ mức Ba3 lên mức Ba2, với triển vọng ổn định.
Việc tổ chức Moody’s nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức là hết sức tích cực. Điều này thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị-xã hội góp phần giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn FDI, tăng cơ hội và tạo điều kiện để Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn tín dụng quốc tế với chi phí thấp.
Việt Nam đã tạo được uy tín vững chắc khi được các nhà đầu từ nước ngoài đánh giá có vị trí chiến lược, là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn nhờ chính sách phát triển môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP cao và bền vững, cũng như lạm phát thấp và chiến lược điều hành chính sách tài khóa thận trọng với tỉ lệ nợ trên GDP thấp nhất thế giới.
“Chúng tôi đánh giá rất cao các chính sách và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ nhằm giải quyết các thách thức kinh tế toàn cầu và thúc đẩy môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và phục hồi kinh tế ở Việt Nam. Chính phủ đã và đang đưa ra các giải pháp hiểu quả nhằm quản lý các thách thức toàn cầu khác nhau, bao gồm đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, sự suy thoái mạnh của nền kinh tế toàn cầu và lạm phát tăng cao. Hành động kịp thời của Chính phủ trong việc điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian vừa qua và việc tạm dừng các loại thuế/phí mới đã giúp giảm bớt tình hình lo ngại về lạm phát. Đây là cơ hội và là thời điểm tốt để thực hiện những cải cách mang tính chiến lược để bảo đảm tiếp tục tăng trưởng kinh tế bền vững”, ông nói.
Mặt khác, ông khẳng định hoàn toàn đồng tình với việc Chính phủ tập trung thực hiện “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không”. Cụ thể gồm “4 ổn định”: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; “3 tăng cường”: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vaccine COVID-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính Nhà nước; “2 đẩy mạnh”: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công và công tác quy hoạch; “1 tiết giảm” tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết; và “1 kiên quyết không”: Không điều hành giật cục.
Đại diện AmCham bày tỏ lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế liên tục của Viêt Nam trong năm 2022 và nhiều năm tiếp theo. Amcham mong muốn được hợp tác với Chính phủ Việt Nam để phát triển một môi trường thuận lợi thu hút nhiều hơn nữa đầu tư nước ngoài, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng bao gồm thúc đẩy quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng (JET-P), khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số và cải cách thị trường vốn để thúc đẩy đầu tư. Đồng thời chia sẻ và hỗ trợ đóng góp trong công cuộc cải cách trong lĩnh vực ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước để giảm thiểu rủi ro.
Ông cũng cho rằng sự tham gia của kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò rất quan trọng để hỗ trợ trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Để tăng cường niềm tin và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần hoàn thiện và ban hành Quy hoạch điện VIII cùng với các cơ chế mới về năng lượng tái tạo, đồng thời đẩy nhanh việc xem xét và phê duyệt các dự án cần thiết và phù hợp để tạo sự thu hút với các thị trường khác nhau như Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry đã thảo luận và chia sẻ vào tuần trước rằng đây là điều cần thiết và là cơ hội để huy động các nguồn lực đầu tư sẵn sàng để sản xuất điện.
AmCham đề xuất Chính phủ đưa các đại diện trong ngành sản xuất điện thuộc khu vực kinh tế tư nhân và đại diện các ngân hàng vào quá trình trao đổi và ra quyết định để giúp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường/huy động nguồn lực cho phát triển điện xanh và bền vững. Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ và các công ty thành viên mong muốn hợp tác về các giải pháp công nghệ và tài chính bền vững để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Ông cũng cho rằng đây là thời điểm thích hợp và là cơ hội để thực hiện các cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính để đạt trạng thái “Thị trường mới nổi” so với “Thị trường cận biên” cho thị trường vốn của Việt Nam theo đánh giá của MSCI và FTSE. Chúng tôi cũng khuyến khích thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm và nâng cao chỉ số xếp hạng chủ quyền cấp đầu tư cho Việt Nam. Xếp hạng chủ quyền cấp đầu tư và trạng thái Thị trường mới nổi và Thị trường cận biên sẽ thu hút nhiều vốn quốc tế hơn vào Việt Nam, tạo ra một vòng kết nối lành mạnh, tích cực hơn về kinh tế Việt Nam nhằm thu hút nhiều hơn đầu tư trực tiếp và thương mại, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
AmCham hoan nghênh, ủng hộ Luật Bảo hiểm xã hội mới của Việt Nam và mong muốn Bộ Tài chính tiếp tục làm việc với các ngành để xây dựng các quy định nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo hiểm; bày tỏ mong muốn được góp ý vào các quy định về các tổ chức tín dụng.
Theo VGP