Advertisement 1a
Hiệp hội làng nghề Việt Nam 17 năm xây dựng và trưởng thành – Tạp chí Kinh tế quốc tế

Hiệp hội làng nghề Việt Nam 17 năm xây dựng và trưởng thành

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được thành lập ngày 03/02/2005, là tổ chức xã hội nghề nghiệp, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện cho hội viên làng nghề trong cả nước.

Vai trò hoạt động của Hiệp hội được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, được Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, chúng ta cùng nhìn lại chặng đường 17 năm xây dựng và phát triển của Hiệp hội.


Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam – Lưu Duy Dần.

Nhiều hoạt động thiết thực, thúc đẩy phát triển làng nghề

17 năm qua, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp nhằm thúc đẩy sự phát triển làng nghề và hỗ trợ cho hội viên, làng nghề phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

Dù bối cảnh trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm gần đây, làng nghề có bước phát triển mới. Đặc biệt, làng nghề cũng đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương. Nhà nước đang có nhiều chính sách đổi mới về phát triển kinh tế xã hội nói chung và làng nghề nói riêng: coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của quá trình phát triển, kiến tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Đối với lĩnh vực làng nghề, Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, cũng có nhiều chương trình hỗ trợ làng nghề: chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng phát triển nhân rộng… Điều này làm cho nhận thức về giá trị của làng nghề được nâng cao.

Ngay từ khi ra đời, đứng trước tình hình làng nghề rơi vào khủng hoảng, Hiệp hội đã xây dựng 06 chương trình hỗ trợ làng nghề đó là:

1) Chấn hưng và phát triển làng nghề;

2) Phát triển doanh nghiệp làng nghề;

3) Xúc tiến thương mại;

4) Thông tin;

5) Văn hóa, Du lịch làng nghề;

6) Đối ngoại. Sáu chương trình hiện đã và đang là mục tiêu xuyên suốt trong tổ chức hoạt động của Hiệp hội.

Các chương trình hoạt động này đều rất phù hợp với các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước. Hiệp hội ngày càng được mở rộng và phát triển. Đến nay Hiệp hội Làng nghề Việt Nam có: Văn phòng cơ quan trung ương tại Hà Nội và 7 Văn phòng Đại diện tại: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, Khu vực miền Trung, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Nam tỉnh Hải Dương.Ngoài ra, Hiệp hội còn thành lập các viện, các trung tâm để tổ chức cung cấp các dịch vụ cho hội viên, như: thông tin, luật pháp, mẫu mã, xúc tiến thương mại, thương hiệu…

Đến nay, Hiệp hội đã có 19 đơn vị trực thuộc gồm 03 Viện nghiên cứu, 16 trung tâm trực thuộc… Để hỗ trợ các hoạt động thông tin tuyên truyền, Hiệp hội đã thành lập “Thời báo Làng nghề Việt” nay chuyển thành “Tạp chí Làng nghề Việt Nam”, đây là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam;Thành lập và củng cố hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội: Chi bộ Đảng, Chi đoàn Thanh niên, Công đoàn trong cơ quan văn phòng Hiệp hội;

Công tác phát triển hội viên luôn được Hiệp hội chú trọng. Đến nay, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã có 13.113 hội viên (trong đó có tới 32% là hội viên tổ chức), số hội viên trải đều 61/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay nhiều địa phương đã thành lập hiệp hội làng nghề hoặc các hiệp hội có tên khác nhau nhưng hoạt động trong lĩnh vực làng nghề đều tự nguyện gia nhập là thành viên của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

Số hội viên được kết nạp qua từng nhiệm kỳ đều tăng. Việc phát triển hội viên đã góp phần mở rộng ảnh hưởng của Hiệp hội, đồng thời tăng cường thêm nguồn nhân lực cho các hoạt động. Mặt khác qua việc số hội viên tăng chứng tỏ Hiệp hội có tác dụng thiết thực với hội viên và hội viên tin tưởng và nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động của Hiệp hội.

Hiệp hội bảo vệ quyền lợi hội viên và làng nghề

Hiệp hội đã có vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền lợi cho hội viên và làng nghề thông qua các hoạt động: tư vấn phản biện, xây dựng chính sách pháp luật, phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của hội viên và làng nghề với các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ. Như: Tham gia góp ý kiến với Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một số vấn đề liên quan đến làng nghề; Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến sự phát triển làng nghề: Hiệp hội tham gia đóng góp ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số bộ, ngành về các chế độ chính sách liên quan đến phát triển làng nghề như: Chính sách cho ngành nghề nông thôn; chính sách về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; về đề án đào tạo nghề nông thôn;

Bên cạnh đó, Hiệp hội đã phối hợp với Bộ Công Thương tham gia xây dựng Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề Thủ công Mỹ nghệ… Năm 2017 tham gia với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

Ngày 12/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn; Hiệp hội đã tham gia góp ý kiến về Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030” và xây dựng Chương trình hành động của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam thực hiện Quyết định 801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Tham gia Hội đồng chuyên ngành về xét Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, do Bộ Công thương chủ trì; Phối Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Phát triển ngành nghề nông thôn các tỉnh khu vực phía Bắc, nhằm triển khai Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và dự thảo các văn bản hướng dẫn có liên quan;

Duy trì mối quan hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp khác nhằm tranh thủ sự hỗ trợ cũng như làm tốt công tác tư vấn, phản biện xã hội. Hoạt động tư vấn, phản biện xã hội đã nâng cao vị thế, uy tín của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam với các cơ quan quản lý Nhà nước, cố gắng tạo điều kiện để hội viên tiếp cận được với các chính sách, chế độ của Nhà nước, tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường…

Để phản ánh tâm tư nguyện vọng của hội viên, Hiệp hội đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập”, qua đó Hiệp hội đề xuất và lấy ý kiến chương trình phối hợp với các bộ, ngành có liên quan theo Thông báo số 30/TB-MTTW-BTT ngày 15/5/2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hiệp hội còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho hội viên và làng nghề thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩn, khoa học công nghệ, dạy nghề, tư vấn pháp lý, tôn vinh chăm sóc nghệ nhân làng nghề:

Về công tác xúc tiến thương mại:

Hiệp hội đã chủ động phối hợp với các Bộ, ban, ngành ở Trung ương: Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các địa phương: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam,…, tổ chức hơn nhiều sự kiện như: hội chợ, triển lãm, trưng bày sản phẩm, liên hoan văn hóa – du lịch, hội thảo chuyên đề, hội nghị khách hàng, kết nối cung cầu giữa các làng nghề. Không những chỉ xúc tiến thương mại trong nước, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam còn chủ động phối hợp các cơ sở và doanh nghiệp làng nghề đưa sản phẩm của làng nghề tới các nước như: Liên minh châu Âu, Mỹ, Nga , các nước Đông Nam Á và Ấn Độ…

Đứng trước nhu cầu người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm có chất lượng, mẫu mã mới thân thiện với môi trường, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp các cơ quan, các viện nghiên cứu của Nhà nước, các trường đại học tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo, triển lãm nhằm nâng cao khả năng thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm thủ công, tiếp cận với khách hàng:

Để phát triển làng nghề theo hướng du lịch làng nghề là một trong những ưu tiên trong các hoạt động xúc tiến thương mại, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và tham gia Ban Tổ chức Chương trình “Mùa Xuân tôn vinh Văn hóa dân tộc” tổ chức tại Hà Nội năm 2014; tư vấn và phối hợp với Hiệp hội Dệt lụa Vạn Phúc tổ chức thành công “Tuần Văn hóa Du lịch Làng nghề Lụa Vạn Phúc – Hà Đông, Hà Nội” đạt hiệu quả, mở đầu cho chương trình Du lịch Làng nghề “Năm Du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng”; tham gia đóng góp ý kiến với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch dự án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”, cung cấp các thông tin cần thiết nhằm phát huy nội lực của các làng nghề, khai thác tiềm năng địa phương để phát triển du lịch…, góp phần tư vấn phát triển du lịch có hiệu quả cho một số làng nghề tại La Bằng – Đại Từ (Thái Nguyên), Mường Chiềng – Đà Bắc (Hòa Bình), Đồng Tân – Ứng Hòa (Hà Nội), Lũng Cú – Đồng Văn, Khuôn Lùng – Xín Mần (Hà Giang), Hồng Hạ – A Lưới (Thừa Thiên – Huế).

Hiệp hội đã nghiên cứu, chủ động triển khai chuyển giao công nghệ cho các làng nghề, các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề công nghệ: bảo quản nông sản thực phẩm, bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các làng nghề trong việc ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường: hội thảo tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ mới cho các làng nghề;

Chủ động tham gia phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp trong các chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các làng nghề; đào tạo về Quản trị doanh nghiệp và Khởi sự doanh nghiệp tại TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, các tỉnh: Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Sơn La, Nghệ An, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, TP. HCM; Phối hợp với Cục Công thương địa phương tổ chức 06 lớp đào tạo bồi dưỡng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các làng nghề nằm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc. Tính từ năm 2012 đến nay, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức 118 lớp với 2.610 học viên (phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội); 165 lớp với 7.533 học viên (phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Hiệp hội đã tổng kết được 03 mô hình đào tạo có hiệu quả cao, đó là: Cấy nghề (đào tạo nghề mới); Đào tạo nghề gắn với vùng nguyên liệu; Đào tạo nguồn nhân lực phát triển sản xuất làng nghề. Đến nay, các mô hình này đang tiếp tục được triển khai tại các địa phương với số đông học viên thuộc các làng nghề, góp phần nâng cao số lượng thợ thủ công được đào tạo nghề, nâng cao hiệu quả sản xuất…

Về công tác thi đua, khen thưởng:

Nhằm động viên và ghi nhận những đóng góp của Nghệ nhân và các cơ sở làng nghề, công tác tôn vinh, khen thưởng được tổ chức thường xuyên, kịp thời. Trong thời gian qua đã tổ chức 9 lần phong tặng vào các năm 2007, 2008, 2009, 2010, 2012, 2014, 2016, 2018, 2020 các danh hiệu làng nghề, trong đó: đã phong các danh hiệu: 835 Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam (trong đó có 62 Nghệ nhân VHNT Ẩm thực làng nghề Việt Nam), 72 Làng nghề tiêu biểu, 72 Đơn vị Kinh tế Làng nghề tiêu biểu; 06 Bảo vật tinh hoa làng nghề; 95 Sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Làng nghề tiêu biểu; 68 Thợ giỏi Làng nghề Việt Nam; 115 Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam.

Mới đây nhân kỷ niệm 17 năm thành lập Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức chương trình phong tặng các danh hiệu làng nghề lần thứ X – năm 2022 Hiệp hội đã phong tặng : 01 Làng nghề Văn hóa Du lịch tiêu biểu, 187 Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam, 16 Nghệ nhân VHNT ẩm thực làng nghề Việt Nam, 04 Bảo vật tinh hoa làng nghề VIệt Nam, 05 Sản phẩm Thủ công Mỹ nghệ Tinh hoa làng nghề Việt Nam, 09 Bảng vàng gia tộc nghề Truyền thống Việt Nam, 16 Thợ giỏi Làng nghề Việt Nam, 03 Kỷ lục Độc bản.

Tại nhiều địa phương, việc đón nhận các danh hiệu làng nghề đã thực sự trở thành ngày lễ trang trọng của cả làng, tạo nên không khí phấn khởi, hồ hởi trong lao động sản xuất và ngày càng gắn bó mật thiết hơn với các hoạt động của Hiệp hội.

Bên cạnh đó, Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực trong hoạt động đối ngoại, công tác xã hội…

Với những nỗ lực và kết quả đạt được trên mọi mặt hoạt động, nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập (2005 – 2020), Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã vinh dự được đón nhận: Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bằng khen của Bộ Công thương, Bức trướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 18 chữ: “Hiệp hội Làng nghề Việt Nam bảo tồn – tôn vinh – phát triển làng nghề truyền thống Việt Nam”, Bằng khen và Cờ thi đua của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với thành tích: “Vì sự nghiệp phát triển làng nghề bền vững”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá Hiệp hội Làng nghề Việt Nam là 1 trong 3 tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động tốt và quản trị tốt.

Ngoài ra nhiều đơn vị và cá nhân là hội viên của Hiệp hội cũng đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Có thể khẳng định trong 17 năm qua Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã đạt được một số thành tích đáng ghi nhận. Đây là sự cố gắng lớn của BCH, Hội đồng Tư vấn, các đơn vị trực thuộc, các hội làng nghề, các hội viên, các nghệ nhân. Mặt khác có được thành công cũng có sự quan tâm, chỉ đạo tạo điều kiện của Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND TP. Hà Nội và các ban ngành ở trung ương, địa phương có liên quan…

Trong thời gian tới, Hiệp hội tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, hướng về hội viên, về các hội làng nghề thành viên, làng nghề, làng nghề truyền thống với chủ đề: “Kết nối cộng đồng làng nghề – Bảo tồn Văn hóa – Phát triển Du lịch – Đổi mới Sáng tạo – Hội nhập Quốc tế”.

Hiệp hội có những đóng góp không nhỏ trong việc thúc đẩy nhiều làng nghề ra đời và phát triển, góp phần chấn hưng làng nghề, nâng cao năng lực làng nghề. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ vào những năm đầu 2000, cả nước mới có 1400 làng nghề thì sau 15 năm theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì hiện nay cả nước có 5.411 làng nghề và làng có nghề (trong đó có 1.864 làng nghề truyền thống với 115 nghề truyền thống đã được công nhận), thu hút khoảng 11 triệu lao động.

Lưu Duy Dần
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam