Bảo vệ doanh nghiệp chân chính

36 lượt xem
“Bảo vệ những doanh nghiệp chân chính”, đây không phải là câu nói suông mà có ý nghĩa thiết thực, luôn mang tính thời sự trong mọi hoàn cảnh, nhất là những thời điểm khó khăn nhất
Bảo vệ doanh nghiệp chân chính

“Bảo vệ những doanh nghiệp chân chính”, đây không phải là câu nói suông mà có ý nghĩa thiết thực, luôn mang tính thời sự trong mọi hoàn cảnh, nhất là những thời điểm khó khăn nhất. 


Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thông điệp rất rõ của Đảng và Nhà nước là không hình sự hoá các quan hệ dân sự và bảo vệ những doanh nhân kinh doanh chân chính. Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Tại lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 vào ngày 12/10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định: Thông điệp rất rõ của Đảng và Nhà nước là không hình sự hoá các quan hệ dân sự và bảo vệ những doanh nhân kinh doanh chân chính. Thông điệp này được giới doanh nhân đánh cao, kịp thời, giúp thêm cho doanh nghiệp sự tự tin khi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều lớn hơn là Thủ tướng Chính phủ tiếp thêm niềm tin của doanh nhân – họ sẽ được bảo vệ khi làm ăn chính đáng, đúng pháp luật.

 

Đây là quan điểm thông suốt của Chính phủ qua các nhiệm kỳ, kể cả từ khi thành lập. Ngày 13/10/1945, tức khoảng hơn một tháng sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho giới Công thương Việt Nam để nhấn mạnh vai trò to lớn của giới Công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước. Bác nhấn mạnh: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”.

 


Thủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Đến nay, thông điệp này luôn mang tính thời sự, trong mỗi bối cảnh khác nhau, đều có chung một ý nghĩa.

 

Từ nhiều nhiệm kỳ trước, Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và luôn cố gắng tháo gỡ tối đa khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tuyên chiến không khoan nhượng với giấy phép con, lợi ích nhóm…

 

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng tổ chức điều tra và xử lý nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vì vi phạm pháp luật, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, có  doanh nhân nổi tiếng. Việc này ít nhiều gây ra sự lo lắng, phân tâm đối với một số doanh nhân khác. Nhiều doanh nghiệp đôi lúc có cảm giác bất an với nỗi lo mơ hồ…Đây là cảm xúc mà có ai đó chạm phải trong những hoàn cảnh nhất định.

 

Nghiêm khắc xử lý cái sai, bảo vệ cái đúng, sự chân chính là điều cần làm trong quá trình quản trị đất nước. Chúng ta không để “vàng thau lẫn lộn”, không thể dung túng những hành vi sai trái, lừa đảo để làm mất niềm tin, tài sản của nhân dân và làm băng hoại văn hóa, đạo đức, uy tín nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân chân chính. Bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính là bảo vệ những “hòn ngọc” dựng xây nền tảng cho sự hưng thịnh của đất nước. Điều đó không chỉ thể hiện ở lời nói mà cả hành động cụ thể. Xử lý các đối tượng lừa đảo, gây nhiều sai phạm là góp phần làm cho xã hội lành mạnh, minh bạch và khuyến khích xã hội tôn trọng pháp luật, chấp hành kỷ cương. Thông điệp rất rõ: Bất kỳ người đó là ai, nếu vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý. Làm như vậy mới mong kinh tế phát triển, những doanh nhân tử tế, làm ăn chính đáng mới có cơ hội phát triển, làm giàu chính đáng.

 

Ví dụ như, bảo vệ doanh nghiệp trước tác động xấu của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, với 3 gói hỗ trợ lớn về: Chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất…); chính sách hỗ trợ tín dụng như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất (gói tín dụng 250.000 tỷ đồng); chính sách an sinh xã hội (gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng)… Những chính sách này đã tiếp thêm nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp, vượt qua khó khăn, thử thách để có những đóng góp to lớn hơn cho nền kinh tế nước nhà phục hồi và phát triển.

 

Bảo vệ doanh nghiệp trước tin đồn, nếu không có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, Ngân hàng SCB khó có thể vượt nổi “cơn bão” vừa qua, khi mà người dân đổ xô rút tiền vì nghe thông tin thất thiệt về nhân sự của tổ chức tài chính này. Kể cả trong ngày nghỉ (Chủ Nhật-9/10), Ngân hàng Nhà nước kịp thời phát đi các thông điệp khẳng định có giải pháp đảm bảo SCB hoạt động bình thường, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền trong mọi trường hợp.

 

Tuy nhiên, trước khi chờ sự bảo vệ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình từ tấm áo giáp được dệt bằng sự “chân chính”.

 

Đức Tuân – Theo VGP


Chủ đề:
Cùng thể loại
Xem nhiều