Hội thảo Lý luận và Thực tiễn về chính sách phát triển Làng nghề thủ công mỹ nghệ

25 lượt xem
Ngày 6/12 tại Hà Nội, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội thảo Lý luận và Thực tiễn về chính sách phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ
Hội thảo Lý luận và Thực tiễn về chính sách phát triển Làng nghề thủ công mỹ nghệ
Ngày 6/12 tại Hà Nội, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội thảo Lý luận và Thực tiễn về chính sách phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ. Tham dự Hội thảo có TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIV; TS Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp; Đại diện Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm đến đề tài…
Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Đề tài khoa học “Định hướng chính sách xây dự Luật về làng nghề-Lý luận và thực tiễn” do TS Lưu Bình Nhưỡng làm chủ nhiệm. Đề tài này là tiền đề để kiến nghị Quốc hội cho xây dựng Luật về làng nghề Việt Nam.

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, nhiều tham luận của các nhà khoa học như: TS Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương); TS Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam; TS Nguyễn Vi Khải, Phó chủ tịch HĐTV Hiệp hội Làng nghề Việt Nam; TS Lê Việt Trường;  Luật sư Trương Quang Cẩn hay những ý kiến đóng góp của Bà Lê Thị Nguyệt,  Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội; TS Lê Thanh Vân, TSKH Bạch Quốc Khang, Ông Nguyễn Văn Vũ,  Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam… đã góp những tiếng nói về sự cần thiết phải xây dựng cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống trong thời kỳ mới.

Tham luận tại Hội thảo, TS Lưu Bình Nhượng  đã chia sẻ một số vấn đề lý luận về làng nghề và chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách bảo tồn, phát triển làng nghề nước ta.


Ông Nguyễn Văn Vũ,  Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Tổng Biên tập
Tạp chí Làng nghề Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Làng nghề nói chung và làng nghề thủ công truyền thống được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Đó là, một thực thể kinh tế, văn hóa, xã hội; Làng cổ truyền lâu đời, mà ở đó các hộ nghề, tộc nghề chuyên sản xuất, chế tác, sinh sống bằng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống; Trung tâm sản xuất, chế tác và kinh doanh hàng thủ công… Làng nghề có vai trò rất lớn. là một trung tâm sản xuất kinh doanh đặc thù; Là nơi tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần độc đáo cho xã hội; Là một trong những cái nôi sản sinh các đơn vị kinh tế; Làng nghề còn là một quần cư mang tính truyền thống, là đơn vị văn hóa đặc thù. Làng nghề nói chung và làng nghề truyền thống nói riêng có vai trò trong đối ngoại và hợp tác quốc tế. Nhiều sản phẩm của làng nghề truyền thống cũng như làng nghề hiện đại đã trở thành hàng hóa xuất khẩu quan trọng như: May tre đan, gốm sứ, lụa tơ tằm, đồ đồng, đồ trang sức bằng vàng, bạc… đã mang lại thu nhập cao cho các nghệ nhân, doanh nghiệp, người lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội.


 TS Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

TS Lưu Bình Nhưỡng cho biết, hiện Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương về nông nghiệp- nông dân- nông thôn như vấn đề  “tam nông” trong chính sách phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, đến nay Nhà nước đã triển khai xây dựng và thực hiện Chương trình “Xây dựng nông thôn mới” bằng việc xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới” mà chưa thực hiện riêng rẽ, độc lập Chương trình “Bảo tồn và phát triển làng nghề”. Nó chỉ thực hiện lồng ghép thành một nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Điều này đã dẫn tới sự bất cập rất lớn về chính sách, đó là: Không triển khai thực hiện được chính sách toàn diện về “Bảo tồn và phát triển làng nghề”. Việc lồng ghép, xác định bảo tồn và phát triển làng nghề trong Chương trình mục tiêu quốc gia như vậy sẽ chỉ quan tâm đến phát triển làng nghề  khu vực nông thôn, gắn với nông thôn, mà không đề cập bảo tồn và phát triển làng nghề ở khu vực đô thị hoặc đã đô thị hóa thời gian qua. Do đó, để bảo tồn, phát triển các làng nghề giữa trung tâm đô thị cần một sự nghiên cứu, định hướng chính sách và giải pháp đặc thù so với  làng nghề ở khu vực nông thôn.

Làng nghề là một hiện tượng kinh tế xã hội tự nhiên nhưng luôn có vị trí, vai trò đặc biệt trong xã hội, xét cả yếu tố văn hóa, con người và lịch sử… Vì vậy, để làng nghề trở thành đối tượng của chủ trương, chính sách bảo tồn và phát triển cho hôm nay và mai sau, rất cần được luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hành động hiệu lực, hiệu quả.


TS Nguyễn Vi Khải, Phó chủ tịch HĐTV Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

Tiến sĩ Tôn Gia Hóa cũng đã có tham luận đánh giá về tình hình hoạt động và những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển của làng nghề Việt Nam.

Theo ông, sự hình thành và phát triển các làng nghề Việt Nam gắn với lịch sử văn hóa dân tộc. Trong đó, có yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến xu hướng phát triển và đặc trưng làng nghề ở mỗi vùng, miền; Văn hóa làng nghề là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của bản thân làng nghề… Đặc biệt,  yếu tố “thể chế”  rất quan trọng . Đảng và Nhà nước ta đang tập trung xây dựng thể chế phát triển đất nước đồng bộ, hiện đại và tiếp thu những tinh hoa của thế giới, theo đó làng nghề Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển mà vẫn bảo tồn được các giá trị văn hóa quý báu của mình.

Các nghị quyết của  Đảng về thay đổi và hoàn thiện các thể chế về quản lý Nhà nước, quản lý kinhh tế đã tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của các làng nghề Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập như: Sự phát triển của làng nghề Việt Nam đến giai đoạn này đã bộc lộ rõ những vấn đề cần được phát huy, cũng như nhiều vấn đề chưa được giải quyết thích đáng. Luật về làng nghề ra đời sẽ điều chỉnh mối quan hệ giữa phát triển và gìn giữ, bảo tồn trên quan điểm hài hòa lợi ích cộng đồng và lợi ích quốc gia. Luật làng nghề sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các làng nghề Việt Nam.

TS Nguyễn Vi Khải, Phó chủ tịch HĐTV Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng đã chia sẻ về vai trò của các tổ chức, xã hội nghề nghiệp trong việc phát triển làng nghề. Ông cho rằng, các tổ chức xã hội ngành nghề đã hiện diện khá đông đủ và góp phần quan trọng phát triển làng nghề. Sự phát triển của làng nghề gắn với sự lớn mạnh của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam là một hiện tượng “cộng sinh tất yếu”. Sự phát triển làng nghề là điều kiện, là tiền đề cho sự ra đời của Hiệp hội và ngược lại. Đóng góp của Hiệp hội không chỉ là góc độ kinh tế mà là nâng cao các giá trị vật thể và phi vật thể…

Hiệp hội làng nghề Việt Nam có hội đồng tư vấn, Hội đồng liên lạc các CLB nghệ nhân, Viện nghiên cứu, Tạp chí Làng nghề Việt Nam in và điện tử, có ấn phẩm OCOP in và điện tử, 7 văn phòng đại diện, 15 Trung tâm, 10 ban chuyên môn. Đặc biệt, Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã được Chủ tịch nước CHXHCNVN tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Bên cạnh đó còn là tham luận về “Thực trạng phát triển làng nghề trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay, những kiến nghị và đề xuất” của LS Lê Việt Trường hay tham luận “Thực trạng phát triển của làng nghề thủ công mỹ nghệ hiện nay, những ưu điểm, tồn tại, đề xuất, kiến nghị” của TS Nguyễn Anh Sơn; “Vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, những đề xuất, kiến nghị” của LS Trương Quang Cẩn…  rất có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn, góp phần đắc lực vào việc phát triển làng nghề, giữ gìn các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Theo thông tư 16/2006/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn thì nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đạt 03 tiêu chí sau: Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận; Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hoá dân tộc; Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

Tuy nhiên, TS Bạch Quốc Khang cho rằng, hiện nay vấn đề nhận diện về nghề và làng nghề còn rất mờ nhạt. Do đó, không có số liệu chính xác về nghề và làng nghề trên cả nước cũng như số liệu về lao động làng nghề, kim ngạch xuất khẩu hàng năm và không có định danh trong danh sách ngành nghề của Việt Nam. Ngành thủ công mỹ nghệ bao trùm nhiều ngành nghề nhưng chưa được hưởng nhiều chính sách. Do đó, phát sinh ra nhiều hệ lụy như chính sách chưa được quan tâm, chưa thu hút được nguồn lực cả xã hội, doanh nghiệp, chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước nhưng khó tiếp cận…

Theo TS Lê Thanh Vân, để làng nghề phát triển cần có chính sách của Nhà nước về tiền tệ và tài khóa. Về tiền tệ như chính sách ưu tiên cho phát triển làng nghề, đó là cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi. Và chính sách tài khóa đó là những ưu đãi về thuế, phí cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Đồng thời phát triển hạ tầng cơ sở, vì nếu không có giao thông tốt, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa sẽ làm đổ vỡ chuỗi cung ứng; Bảo tồn và phát triển nguồn nhân lực như phát triển nghề, truyền nghề; Đảm bảo tính ổn định của đầu vào nguyên liệu và thị trường đầu ra cho sản phẩm, thay đổi hình thức xúc tiến thương mại không còn phù hợp với thời đại công nghệ 4.0; Sắp xếp thứ tự ưu tiên quy mô  phát triển làng nghề. Bộ Công thương, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cần tư vấn cho Chính phủ để ưu tiên bảo tồn và phát triển làng nghề; Nâng cao ý thức của người dân làng nghề về vấn đề bảo vệ môi trường.

Làng nghề là cả một môi trường kinh tế- xã hội và văn hóa. Mỗi làng nghề là một lĩnh vực sản xuất kinh doanh đặc thù, là nơi tạo ra giá trị tinh thần độc đáo cho xã hội. Làng nghề nói chung và ngành nghề thủ công mỹ nghệ nói riêng có vai trò rất lớn trong giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; Giữ gìn văn hóa, đặc biệt là phong tục, tập quán tốt đẹp như hương ước, kỷ cương làng xã. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển làng nghề thủ công là rất cần thiết và cần có những chính sách ưu tiên và hành lang pháp lý rõ ràng.

Bài, ảnh: Đài Thanh
Theo  https://langngheviet.com.vn/the-gioi/hoi-thao-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chinh-sach-phat-trien-lang-nghe-thu-cong-my-nghe.html30442

Chủ đề:
Cùng thể loại
Xem nhiều