Advertisement 1a
Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ rất linh hoạt và thận trọng – Tạp chí Kinh tế quốc tế

Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ rất linh hoạt và thận trọng

Giới chuyên gia cho rằng, công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam rất linh hoạt, thận trọng. Điều này giúp chúng ta thực hiện được mục tiêu kép: vừa kiềm chế lạm phát, vừa giảm lãi suất, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất.

Mới đây, Nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV chỉ ra, chính sách tiền tệ là một trong những điểm sáng nổi bật. Ngân hàng nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại có giá vốn rẻ có thể cho vay lãi suất thấp, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế; Tỷ giá tăng trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo…

Theo bà Tạ Thị Yên, đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên, thời gian vừa qua Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện tốt chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch, đảm bảo cùng lúc thực hiện mục tiêu kép: vừa kiềm chế lạm phát, vừa giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, ổn định tỷ giá vừa đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

TS Hoàng Văn Cường, đại biểu quốc hội đoàn đại biểu TP. Hà Nội nhận xét, trong bối cảnh thế giới liên tục phải tăng lãi suất điều hành, Việt Nam là nước tiên phong giảm lãi suất điều hành. Mặc dù thực hiện chính sách tài khoá, tiền tệ mang tính chất hỗ trợ nhưng lạm phát vẫn giữ được ở mức hơn 3%.

Ông Cường chia sẻ: “Chúng ta không phải dùng chính sách quá thắt chặt tiền tệ nhưng vẫn kiềm chế được lạm phát. Đây là một thành công rất lớn. Điều này đã thể hiện công tác điều hành chính sách tiền tệ rất hiệu quả”.

Ảnh minh họa

Các chuyên gia cũng nhận định, việc liên tục tăng lãi suất điều hành của các quốc gia khác trên thế giới đã ảnh hưởng đến Việt Nam, nhất là sau 2 năm đại dịch Covid khi sức cầu của thế giới giảm. Trước những khó khăn bất ổn chung của thế giới, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đòi hỏi sự linh hoạt, thận trọng, chắc chắn, đặc biệt là phối hợp với các chính sách vĩ mô khác để thực hiện các mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, ngay khi có điều kiện, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để thúc đẩy tăng trưởng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề nêu trên đã thể hiện rõ sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh việc giảm lãi suất điều hành tới 4 lần, Ngân hàng Nhà nước còn ban hành thông tư, cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát đơn giản hóa thủ tục cho vay, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất… Đến thời điểm này, lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm 2,2%/năm so với cuối năm 2022.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đã luôn cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng, điều chỉnh hợp lý, kịp thời các giải pháp quản lý, điều hành để đạt mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế”.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu giảm thêm lãi suất thời gian tới, chênh lệch lãi suất VND với USD tiếp tục thu hẹp. Dòng vốn có khả năng đảo chiều, nhà đầu tư sẽ tìm đến thị trường khác với mức lãi suất cao hơn thay vì đầu tư vào Việt Nam.

“Đây cũng chính là con dao hai lưỡi khiến tỷ giá tăng cao. Từ giờ đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc kỹ khi điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh việc giảm lãi suất không hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Hơn thế, chính sách tiền tệ cần thời gian thẩm thấu nên cần tránh việc nóng vội, chủ quan”, TS. Huân lưu ý.

 

Nghệ Nhân / Theo DNHN