Advertisement 1a
Tréo ngoe chuyện quảng bá thương hiệu địa phương – Tạp chí Kinh tế quốc tế

Tréo ngoe chuyện quảng bá thương hiệu địa phương

Vụ việc một ông phó giám đốc sở ở Vĩnh Long “đòi” chia nhuận bút mới cung cấp thông tin tuyên truyền về xây dựng thương hiệu hợp tác xã là bằng chứng cho thấy vẫn còn những tréo ngoe, gây khó dễ trong việc quảng bá thương hiệu địa phương. Không chỉ vậy, những mặt khuyết trong xây dựng thương hiệu địa phương trên nền tảng thương mại điện tử cũng là điều đáng lưu tâm.

Tuần qua, không ít điều tiếng chê bai quanh việc một phóng viên của Trung ương muốn viết bài tuyên truyền về xây dựng hợp tác xã (HTX) của tỉnh Vĩnh Long nhưng bị ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long “đòi” chia nhuận bút thì mới cung cấp, trả lời thông tin (!?). 

Gây khó dễ khi tuyên truyền thương hiệu HTX 

Nếu xét về việc xây dựng, quảng bá thương hiệu cho những lĩnh vực kinh tế xã hội quan trọng của địa phương (điển hình như khu vực HTX), nhiều ý kiến cho rằng đòi hỏi nêu trên là chuyện ngược đời. 

Nhất là lâu nay, khi cần quảng bá thương hiệu cho địa phương, phía chính quyền cơ sở thường phải chủ động mời báo chí về viết bài, đưa tin, đưa hình ảnh và đài thọ nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại, có khi còn bồi dưỡng công sức cho anh em phóng viên… Còn đằng này, phóng viên viết tin bài xây dựng thương hiệu cho HTX mà một ông phó giám đốc sở ở ngành nông nghiệp đòi tiền nhuận bút thì… quả là chuyện tréo ngoe!

HINH-8432-1656667145.jpg

Để tạo ra hình ảnh tích cực cho thương hiệu địa phương, trách nhiệm của những người lãnh đạo ở cấp địa phương có liên quan đến hoạt động xây dựng  thương hiệu là cực kỳ quan trọng.

Qua trao đổi với phóng viên, một chuyên gia kinh tế cho rằng việc xây dựng thương hiệu HTX (đặc biệt là các HTX nông nghiệp) ở cấp địa phương rất cần sự tham gia của phía cơ quan quản lý ngành nông nghiệp từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện, xã. Là những người hiểu rõ hoạt động của các HTX nông nghiệp như thế nào thì chính lãnh đạo các cơ quan này phải chủ động hợp tác với báo chí để tạo ra sự hiệu quả về mặt tuyên truyền.

Vì thế, theo vị chuyên gia này, hành vi “đòi” chia nhuận bút với phóng viên của vị phó giám đốc Sở NN&PTNT nêu trên không khác gì như “gáo nước lạnh”, gây khó dễ cho giới truyền thông và tạo ra hình ảnh tiêu cực về thương hiệu ở địa phương. 

Và việc ông này bao biện “khi phóng viên đưa câu hỏi, tôi phải đưa xuống bộ phận chuyên môn soạn câu trả lời mất cả buổi, chuẩn bị thông tin rất vất vả” là càng thể hiện thái độ quan liêu. 

“Lẽ ra phải trả lời trực tiếp câu hỏi của phóng viên về chuyện xây dựng thương hiệu HTX cụ thể là những gì thì ông lại lờ mờ không nắm được, nên mới yêu cầu nhân viên soạn câu trả lời. Và khi đã lờ mờ lại còn đòi phóng viên chia nhuận bút cho nhân viên soạn thảo thì càng cho thấy năng lực và tầm quản lý của ông lãnh đạo sở này quá kém nếu xét ở góc độ quảng bá thương hiệu địa phương”, vị chuyên gia kinh tế nêu rõ ý kiến.

Mặt khuyết ở “chợ online” cấp địa phương

Thực ra, không chỉ riêng gì chuyện xây dựng thương hiệu HTX ở địa phương, mà việc xây dựng thương hiệu địa phương nói chung là việc tạo ra những hình ảnh tích cực trong nhận thức của các đối tượng công chúng (khách du lịch, nhà đầu tư, nhà nhập khẩu hàng hóa, dân cư, người tiêu dùng…) về những bản sắc và đặc trưng của địa phương theo định vị mong muốn.

Cho nên, để tạo ra hình ảnh tích cực cho thương hiệu địa phương thì trách nhiệm của những người lãnh đạo ở cấp địa phương có liên quan đến hoạt động xây dựng  thương hiệu là cực kỳ quan trọng.

Nói về việc xây dựng thương hiệu địa phương ở Việt Nam, chuyên gia Lương Hà tại ESCP Europe, Paris (Pháp) từng nhấn mạnh các nhà xây dựng thương hiệu địa phương phải nhận thấy rằng việc cần làm trước tiên là phải xác định được tầm nhìn, sứ mệnh, mục đích của việc xây dựng thương hiệu của địa phương mình. 

“Địa phương cần các đối tượng công chúng có ấn tượng ra sao về mình ? Có cảm xúc gì khi nghĩ về địa phương mình? Nhằm mục đích phát triển lĩnh vực kinh tế nào?…”, chuyên gia Lương Hà đặt vấn đề.

Trong khi đó, thực tế cho thấy ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều hạn chế trong chuyện quảng bá thương hiệu. Điều này thể hiện rõ ở những mặt khuyết trong việc xây dựng thương hiệu địa phương trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) trước xu thế hiện nay.

Xét về chỉ số TMĐT theo địa phương, trong Báo cáo chỉ số TNĐT năm 2022 cho thấy vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa hai đầu cầu kinh tế là Hà Nội và Tp.HCM với các tỉnh thành, còn lại.

Theo đó, điểm trung bình của chỉ số năm nay là 20,4 điểm. Tp.HCM tiếp tục dẫn đầu xếp hạng Chỉ số TMĐT Việt Nam 2022 với 90,6 điểm; đứng thứ hai là Hà Nội với 85,9 điểm. Địa phương có số điểm thấp nhất là Tuyên Quang (chỉ có… 9,2 điểm) và cao nhất là Đà Nẵng (36,5 điểm, tức là kém Tp.HCM đến hơn 54 điểm). Ngoài ra, có 7 tỉnh không xếp hạng bao gồm Bạc Liêu, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Sóc Trăng và Sơn La.

Không chỉ vậy, khi nhìn vào các sàn TMĐT – được ví như “chợ online” của những tỉnh, thành phố ở Việt Nam sẽ thấy khi xếp hạng Alexa (thước đo chuẩn mực trên toàn cầu để đánh giá độ uy tín và hấp dẫn của website) thì hầu hết các sàn này đang được xếp vị trí… hàng triệu! Điều này rõ ràng là chưa giúp được nhiều cho các địa phương quảng bá thương hiệu thông qua kênh TMĐT.

Ngay cả vị trí xếp hạng trên Alexa của các sàn TMĐT ở địa phương có mức chênh lệch rất lớn so với một số sàn TMĐT hàng đầu ở Việt Nam. Đơn cử như Shopee đang đứng ở thứ hạng 487, Lazada là 1.572, Tiki là 1.606, Sendo là 11.283.

Theo nhận định của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), tới năm 2022, phần lớn những sàn TMĐT do các địa phương xây dựng và vận hành đều hoạt động không hiệu quả, số giao dịch thấp, sản phẩm nghèo nàn, công nghệ lạc hậu, thông tin sản phẩm ít được cập nhật, thiếu các dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng…

Thế Vinh