Advertisement 1a
Thách thức đặt ra với báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số – Tạp chí Kinh tế quốc tế

Thách thức đặt ra với báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số

Quá trình chuyển đổi số và hội nhập quốc tế hiện nay đặt ra nhiều thách thức cho báo chí trên thế giới nói chung và báo chí ở nước ta nói riêng. Thực tiễn vận động, phát triển nhanh chóng, đa chiều, phức tạp, khó dự báo của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… đã và đang làm nảy sinh những vấn đề cấp bách, đòi hỏi cần có “tiếng nói” kịp thời, trung thực, tỉnh táo của báo chí.
Câu hỏi đặt ra là: Báo chí có vai trò ra sao và cần hoạt động như thế nào để đáp ứng những yêu cầu mới của thời đại?

Nhiều nghiên cứu cho thấy, chuyển đổi số (digital transformation) là quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình công nghệ dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật (IoT)… Đây là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay. Trong bối cảnh đó, các nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam, đều đang đứng trước cả thời cơ và thách thức: hoặc vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hoặc tụt hậu, bị bỏ lại ngày càng xa nếu không kịp thời nắm bắt và triển khai quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số tạo ra sự đổi mới căn bản, toàn diện các hoạt động của toàn xã hội, thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống, của thói quen sống và làm việc của người dân. Vì vậy, chuyển đổi số không đơn giản chỉ là quá trình số hóa và nâng cấp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mà là một bước ngoặt, bước phát triển về chất lượng tạo nên đột phá to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội và đời sống con người.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos năm 2015, John Chambers, Chủ tịch Cisco Systems đã phát biểu về chủ đề “Bối cảnh kỹ thuật số mới” rằng: “Ngày hôm nay, chúng ta đang ở thời điểm quyết định. Hãy xem những gì đã xảy ra với internet vào những năm 1990, (giờ đây) phải nhân điều đó lên gấp 5 đến 10 lần, đó là những gì bạn sắp thấy trong tương lai và lợi ích là điều mà tất cả mỗi người trong chúng ta đều có thể thấy.

Trong ngắn hạn, bạn sẽ thấy mọi quốc gia, mọi doanh nghiệp, mọi công dân, mọi gia đình, mọi phương tiện, mọi thứ có thể mang trên người được đều sẽ được kết nối. Thông điệp này sẽ cho phép bạn thay đổi mọi thứ”. Đến nay mới chỉ hơn 5 năm, dự báo và thông điệp trên của John Chambers đang trở thành hiện thực. Cái mà ông gọi là “sắp thấy trong tương lai”, thì đến nay, chúng ta đã và đang thấy. Và cái gì có thể “kết nối” được tất cả, từ đó “thay đổi mọi thứ” như thông điệp của John Chambers, đó chính là công nghệ internet vạn vật sẽ kết nối mọi người và mọi thứ vào trong cùng một mạng lưới liên tục. Internet vạn vật sẽ mở ra một trật tự mới trong các mối quan hệ của con người, từ trật tự dọc sang ngang và điều này sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta vận hành kinh doanh, quản lý xã hội, giáo dục trẻ em và tham gia vào đời sống người dân. Có người nhấn mạnh tác động mạnh mẽ, toàn diện, làm biến đổi cơ bản đến kinh tế, đến thị trường và doanh nghiệp của internet vạn vật. Bên cạnh đó, có dự báo cho rằng, chuyển đổi số còn mở ra một trật tự mới trong các mối quan hệ của con người, ảnh hưởng đến quản lý xã hội, giáo dục trẻ em và tham gia vào đời sống người dân.

– Nhận thức được chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới hiện nay, ngày 3-6-2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định rõ, chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Quyết định xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản cụ thể. Có thể thấy đây là mục tiêu hàm chứa khát vọng và ý tưởng lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu rất cao thì mới có thể thực hiện được trong 10 năm tới. Trên cơ sở đó, Quyết định cũng xác định 6 quan điểm, 6 nhiệm vụ và giải pháp nền móng chuyển đổi số, 9 nhiệm vụ phát triển chính phủ số, 5 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số, 7 nhiệm vụ phát triển xã hội số và chỉ ra 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, như y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp. Phác thảo ra bức tranh trên để thấy rằng, nếu các mục tiêu, chỉ số và nhiệm vụ trên được thực hiện sẽ góp phần tạo nên một Việt Nam mới, hiện đại, đổi mới căn bản, toàn diện hầu hết các lĩnh vực của đời sống theo hiệu quả của quá trình chuyển đổi số.

Với tư cách là một ngành, nghề luôn tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi biến động xã hội, đồng thời là một thành phần, một nhân tố hữu cơ của xã hội, của đời sống con người, báo chí chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số. Câu hỏi cần giải đáp là báo chí sẽ thực hiện chức năng “thông tin chân thực, đa dạng, kịp thời, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước như thế nào? Số phận những tờ báo, những thông tin trên báo chí được sản xuất theo quy trình cũ sẽ ra sao nếu như luôn bị “chậm chân” so với các tin tức trên internet, mạng xã hội, blog…?

Thực tiễn sinh động và không kém phần phức tạp trên đòi hỏi báo chí cần tham gia tích cực, chủ động vào quá trình này nếu không muốn bị loại bỏ hay trở thành “anh hề đồng” chạy theo cuộc sống hiện đại đang vận hành theo những quy luật của chuyển đổi số. Trước những vấn đề mới nảy sinh, phải chăng báo chí cần có sự đổi mới toàn diện để phản ánh các vấn đề một cách đúng đắn, phân tích có lý, có tình, có giá trị định hướng dư luận và nhất là phải kịp thời, đúng lúc, không rơi vào thế bị động trước tốc độ của internet. “Tiếng nói” đó phải trở thành chủ đạo, có sức thuyết phục cao, đủ sức đẩy lùi, lật tẩy những tiếng nói sai trái, lệch lạc, phản động, cơ hội, vô trách nhiệm đã và đang phát tán, tương tác trên internet, mạng xã hội… Qua đó, báo chí mới có thể tiếp tục là người bạn đồng hành, vừa góp phần định vị (định hướng) cho cuộc hành trình của cuộc sống và con người đương đại trước tác động của chuyển đổi số.

Thời gian qua, báo chí nước ta phát triển nhanh về số lượng, cả các ấn phẩm in và điện tử. Bên cạnh những mặt tích cực, như lượng thông tin được đưa nhiều hơn, đa dạng, phong phú hơn, thì thực tế cũng cho thấy sự lặp lại các thông tin diễn ra khá thường xuyên trên các mặt báo (cả bản in và điện tử). “Công nghệ” trao tin cho nhau giữa một số tờ báo hoặc trang thông tin tổng hợp, hiện tượng “xào xáo tin” có xu hướng tăng. Người đọc có phần giảm đi vì các thông tin trùng lặp. Tệ hơn nữa là các tin giật gân, câu khách dưới nhiều “chiêu trò” khác nhau. Thực trạng này đòi hỏi báo chí phải kịp thời chấn chỉnh để không xa rời tôn chỉ, mục đích hoặc bị chệch hướng. Lúc này, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ trong bài “Nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập”, ngày 6-5-1950: “Báo chí cũng phải hợp lý hóa. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hóa lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ. Đoàn thể cứ co cổ lại chịu tiền để mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc”. Chỉ huấn đó không hề lạc hậu trong thời đại chuyển đổi số hiện nay và hoàn toàn phù hợp với yêu cầu tổ chức lại hệ thống báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số.

Trước tác động của chuyển đổi số, báo chí nước ta cần đặc biệt coi trọng nhu cầu, tâm lý, thói quen của người đọc; mỗi tờ báo nên hướng tới phục vụ tốt nhất đối tượng công chúng đích, chuyên biệt của mình, phù hợp với tôn chỉ, mục đích, tránh pha loãng hay trùng lắp thông tin. Những vấn đề cấp bách của xã hội được đề cập, phản ánh, giải đáp trên các loại hình báo chí phải tạo được sức thuyết phục, hấp dẫn, niềm tin ở người đọc. Đó là thông tin được viết bởi những nhà báo chân chính, trung thực, gắn bó với sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Báo chí với sứ mệnh cao cả của mình cần có nhiều phương thức thông tin mới giúp cho công chúng báo chí được củng cố niềm tin, tăng cường bản lĩnh, sự tỉnh táo và sức tự đề kháng trước những vấn đề nóng bỏng, bức xúc đặt ra trong cuộc sống và trước những thông tin sai trái, xuyên tạc, bịa đặt.

Những yêu cầu mới trong bối cảnh chuyển đổi số cũng đòi hỏi sự đổi mới trong cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động của các cơ quan báo chí. Cần có chiến lược chuyển đổi số của nền báo chí ở tầm vĩ mô và trong từng cơ quan báo chí (ví dụ với các báo in, quá trình số hóa thể hiện ở việc đầu tư phát triển báo điện tử, áp dụng tòa soạn điện tử trong quy trình xuất bản nội bộ…). Do vậy, các cơ quan báo chí cần xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện, lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm, phân chia nhiệm vụ của các nhân sự cho phù hợp, có sự thống nhất giữa các bộ phận xuất bản in (hay phát thanh, truyền hình) và điện tử. Sản xuất nội dung báo chí chất lượng cao, sản xuất báo chí dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng báo chí (trong đó có những trải nghiệm số)… Báo chí tận dụng quá trình số hóa để có những sản phẩm báo chí chất lượng, với độ tin cậy cao, tạo những tiện ích tốt nhất cho độc giả trong tiếp cận, sử dụng thông tin, lan tỏa và chiếm thế thượng phong trên không gian thực và không gian mạng, trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất trong đời sống xã hội.

Để báo chí hoàn thành chức năng của mình trong bối cảnh chuyển đổi số, trước hếtđội ngũ cán bộ lãnh đạoquản lý báo chí cần sự nhanh nhạy, có bản lĩnh và trình độ, am hiểu công nghệ để chỉ đạo báo chí vào cuộc một cách kịp thời, chuẩn xác, tỉnh táo, nhất là đối với những vấn đề bức xúc, nhạy cảm hoặc những quyết định lớn, hệ trọng của đất nước. Đồng thời, để báo chí phát huy được sứ mệnh của mình, rất cần những nhà báo bản lĩnh, dũng cảm, tỉnh táo, tâm huyết và luôn có mặt ở những nơi “đầu sóng ngọn gió” của cuộc sống để thấu hiểu, để khám phá sự thật và chuyển tải lại cho người đọc của mình. Các phóng viên, biên tập viên cần không ngừng rèn luyện chuyên môn, bút lực, đạo đức nghề nghiệp, đổi mới tư duy, phương pháp, cách thức hoạt động, nỗ lực sáng tạo, cũng như trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng công nghệ để có thể tác nghiệp báo chí đa phương tiện, vừa chuyên sâu, vừa đa năng, hướng tới việc tạo ra ngày càng nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, hấp dẫn, định hướng dư luận đúng đắn, kịp thời, góp phần thực hiện được sứ mệnh cao cả của báo chí. Đặc biệt, để tiếp tục đứng vững và phát triển trước sự cạnh tranh từ các phương tiện truyền thông xã hội, báo chí cần tạo được niềm tin cho người đọc từ chính thế mạnh của mình là chất lượng thông tin, bảo đảm tính chính xác, tính khoa học, tính nhân văn, tính trách nhiệm cao với xã hội.

GS, TS. ĐINH XUÂN DŨNG
Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung 
Theo https://tinhhoadatviet.net.vn/thach-thuc-dat-ra-voi-bao-chi-trong-boi-canh-chuyen-doi-so.html