“Cài cắm” tiêu chí gây khó cho nhà thầu lạ?

Ngày 30/11/2022, bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc GD&ĐT ký Quyết định 103/QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu 03: Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6. Giá trị gói thầu là 36.104.144.000 đồng.

Nhà thầu là Công ty TNHH TMDV Sao Việt có địa chỉ tại số 63 đường Trần Anh Tông, phường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định được quản lý bởi Chi cục Thuế thành phố Qui Nhơn. Người đại diện pháp luật là Hồ Minh Phương. Ngành nghề chính của công ty là bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm.

Điều đáng nói, trong thông báo mời thầu của gói thầu này, chủ đầu tư đã có những tiêu chí qui định gây khó, hạn chế hoặc gây tốn kém không nhỏ cho các nhà thầu.

Cụ thể, tại mục 2, Chương V, biểu mẫu bên mời thầu có 196 hạng mục, trong đó các sản phẩm thông dụng trên thị trường như: Quạt điện, nồi cơm điện, quả bóng, bếp điện, máy tính, đất nặn… Tuy nhiên, chủ đầu tư lại đưa ra yêu cầu phải có nhân sự chủ chốt. Có trình độ chuyên môn, trình độ đại học chuyên ngành kỹ thuật điện, điện tử; cơ khí; công nghệ thông tin (đã thực hiện ít nhất 1 gói thầu tương tự có xác nhận của chủ đầu tư; có tên trong biên bản nghiệm thu hoặc tài liệu khác để chứng minh) với tổng số năm kinh nghiệm là 5 năm…

Điều này là trái với Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định: “Đối với hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, không đòi hỏi nhân sự thực hiện dịch vụ liên quan phải có trình độ cao thì không yêu cầu về nhân sự chủ chốt… Chủ đầu tư, bên mời thầu phải bảo đảm việc yêu cầu huy động nhân sự chủ chốt không dẫn đến làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.


Tiếp đó, ở mục “Đặc tính kỹ thuật của hàng hóa”, chủ đầu tư yêu cầu “đối với máy vi tính phải có đủ tài liệu, chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền chứng minh sản phẩm đạt chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015, tiêu chuẩn ISO 17025:2017, tiêu chuẩn QCVN 118:2018 còn hiệu lực đến ngày đóng thầu”.

Máy tính là sản phẩm thông dụng trên thị trường nhưng bên mời thầu lại yêu cầu cơ quan thẩm quyền chứng minh sản phẩm đạt chuẩn là vô tình hoặc cố ý tạo ra “giấy phép con” gây khó cho các nhà thầu tham gia dự thầu.

Tại Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT nêu rõ: “Trường hợp hàng hóa của gói thầu là hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất, trong E-HSMT không được yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương”.

Dấu hiệu “thổi giá” hàng trăm triệu đồng!

Theo tài liệu phóng viên có được, nhiều hạng mục tại gói thầu hơn 36 tỉ đồng, mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6, do Sở GD&ĐT Đồng Tháp làm chủ đầu tư có dấu hiệu “nâng giá” hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể, tại hạng mục 7, mua 690 kính hiển vi, ký mã hiệu DMK483, xuất xứ Trung Quốc, chủ đầu tư mua với giá là 2.875.000 đồng. Tuy nhiên, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thiết bị khoa học và Vật tư quốc tế – STC bán sản phẩm tương tự với giá chỉ 2.000.000 đồng/cái.

Tương tự, tại danh mục 163, mua đàn phím điện tử (key board), mã hiệu Casio CT-X700, xuất xứ Trung Quốc, chủ đầu tư mua 91 bộ với giá là 6.500.000 đồng/sản phẩm. Thế nhưng, Công ty TNHH Thiết bị Văn phòng – Trường học Trung Nguyên bán sản phẩm đàn Organ Casio CT-X700 (có cấu hình tương tự) phụ kiện nhạc chính hãng, vận chuyển giao hàng miễn phí… với giá 4.409.000 đồng.

 Nhiều sản phẩm mua sắm cao hơn thị trường hàng trăm triệu đồngTiếp đó, chủ đầu tư đã mua 5.533 tấm xốp, hình vuông bằng xốp mút hoặc tương đương, kích thước  1.000 x 1.000 mm, độ dày 25mm, có thể gắn vào nhau, mặt nhám, không ngấm nước, không trơn trượt… xuất xứ Việt Nam với giá 207.000 đồng/tấm. Thế nhưng, tại trang thamaulac.com.vn bán sản phẩm tương đương chỉ với giá từ 170.000 đến 185.000đ/tấm.

Được biết, ở gói thầu này có 196 hạng mục mua sắm với tổng trị giá là 36.104.144.000 đồng. Tuy nhiên, phóng viên mới khảo sát ngẫu nhiên 3 hạng mục, số tiền chênh lệch đã lên tới gần tỉ đồng, một con số rất đáng suy ngẫm.

Một số chuyên gia cho biết, nếu vẫn còn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, dàn xếp giữa hai hoặc các bên nhằm đạt được một mục đích sai trái, không bảo đảm công bằng, minh bạch, thậm chí, có việc “nâng giá, thổi giá” để trục lợi gây hâu quả nghiêm trọng đến ngân sách Nhà nước thì cần có một cơ quan độc lập, có chức năng, có pháp lý để xem xét, thẩm định lại qui trình đấu thầu…

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Luật Đấu thầu 2013 sửa đổi, bổ sung năm 2023, tại Điều 89 đã quy định 09 hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu. Cụ thể đó là các hành vi: Đưa, nhận, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn; thông thầu, gian lận; cản trở; không đảm bảo công bằng, minh bạch; tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin cấm về quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; chuyển nhượng thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu. Chủ thể nào thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

 Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông LuậtTrường hợp việc nâng giá và nâng giá hàng trăm triệu nhằm đạt được một trong các mục đích sau: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo công bằng; minh bạch trong hoạt đông đấu thầu… mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đến 300.000.000 đồng. (Căn cứ Điều 37 quy định về vi phạm các điều cấm trong đấu thầu tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP).

Căn cứ vào quy định tại Khoản 2 Điều 90 Luật Đấu thầu thì ngoài việc bị xử lý hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm về đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Cơ quan có thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu và việc công khai xử lý vi phạm được quy định tại các khoản 3, khoản 4, khoản 5 tiếp theo của điều luật này…

Căn cứ Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, chủ thể vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 20 năm tù giam.

Riêng trường hợp sau khi cơ quan điều tra xác minh có dấu hiệu của việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 222 với mức phạt tù từ 03 năm đến 12 năm tù giam. Đồng thời sau khi xem xét mức độ gây thiệt hại mà thiệt hại lên tới 1.000.000.000 đồng trở lên thì mức phạt tù có thể bị áp dụng theo khoản 3 điều này từ 10 năm đến 20 năm tù giam.

Ngoài ra, chủ thể phạm vào tội quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trước những thông tin nêu trên, đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan, tiến hành thanh tra, kiểm tra lại qui trình đấu thầu của Sở GD&ĐT Đồng Tháp, để xử lý nghiêm vi phạm, nếu có, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan và hiệu quả cho nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Đồng Tháp.

 

Nguyên Minh/Theo Thanhtra.com.vn