Advertisement 1a
Quảng Ninh: Hơn 330 sản phẩm OCOP được số hóa hóa lên sàn thương mại điện tử – Tạp chí Kinh tế quốc tế

Quảng Ninh: Hơn 330 sản phẩm OCOP được số hóa hóa lên sàn thương mại điện tử

Vài năm trở lại đây, chương trình OCOP của Quảng Ninh đã và đang có lợi thế về việc phát triển nhanh số lượng cũng như quy mô sản phẩm, đồng thời được người tiêu dùng biết tới rộng rãi, tin dùng. Vì thế, chuyển đổi cách quảng bá, bán sản phẩm qua kênh, qua số hóa lên sàn thương mại điện tử là một cách làm hay trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

 

Bên cạnh đó, về lâu dài, doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý cần hoàn thiện, quản lý theo hệ thống cơ sở dữ liệu, tạo kênh quảng bá, tiêu thụ hiệu quả vừa giúp minh bạch, quản lý thông tin, tránh đứt gãy về thông tin, dữ liệu.

 

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp OCOP vừa và nhỏ mới khởi nghiệp cũng dần chú trọng kênh này. Ban đầu, việc số hóa đưa sản phẩm lên sàn chỉ dừng lại đưa thông tin, hình ảnh sản phẩm. So với thời gian đầu từ việc giới hạn về dung lượng, nội dung giới thiệu sản phẩm, kích thước ảnh thấp…, tới nay, sàn có thể tải mô tả cụ thể, chi tiết thậm chí có thể gắn link, web, chất lượng HD, số lượng cao hơn sau khi được cải tiến.

 

Đến nay, Quảng Ninh đã có trên 330 sản phẩm OCOP được số hóa, trung bình có trên 100 sản phẩm/năm. Số doanh nghiệp tham gia đạt trên 100 đơn vị, so với con số khoảng 50 doanh nghiệp những năm trước. Trung bình có khoảng 3.000 đơn hàng được đặt qua sàn, doanh thu 2-3 năm gần đây đạt từ 1-1,3 tỷ đồng/năm. Nhiều sản phẩm OCOP được biết tới rộng rãi và tiêu thụ mạnh nhờ số hóa, quảng bá như trà hoa vàng, miến dong Bình Liêu…

 

Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương Quảng Ninh, thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp các ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động quảng bá sản phẩm, như công nghệ mã vạch, QR code… để truy nguồn gốc và đảm bảo cho chất lượng sản phẩm. Đồng thời sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hoạt động thương mại điện tử, đưa các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đến với rộng rãi người tiêu dùng trong cả nước.

 

Năm 2022 được xem là năm nền tảng quan trọng của chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Năm nay, Quảng Ninh tiếp tục triển khai có hiệu quả OCOP gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Hướng mạnh việc sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị. Xây dựng nhãn hiệu, bảo đảm quy mô, tính chuyên nghiệp để khẳng định thương hiệu.

 

Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ phát triển mới ít nhất trên 50 sản phẩm, đánh giá phân hạng thêm từ 70-100 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 4 sao, phấn đấu có 2-4 sản phẩm tiềm năng 5 sao để tham gia dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Phát triển mới ít nhất 15 đơn vị kinh tế tham gia chương trình.

 

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh về nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, xác định các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đặc trưng của các địa phương gắn với phát triển du lịch, kết nối tuyến điểm du lịch, xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp tại TX Quảng Yên, TX Đông Triều, huyện Đầm Hà, TP. Hạ Long…

Nguyễn Thành
Theo https://langngheviet.com.vn/moi-xa-mot-san-pham/quang-ninh-hon-330-san-pham-ocop-duoc-so-hoa-hoa-len-san-thuong-mai-dien-tu.html31866