Advertisement 1a
Mua sắm trang thiết bị giáo dục tại Ninh Thuận: Bị phản ánh tiêu chí bất cập, ai trúng thầu? – Tạp chí Kinh tế quốc tế

Mua sắm trang thiết bị giáo dục tại Ninh Thuận: Bị phản ánh tiêu chí bất cập, ai trúng thầu?

Trong vòng 2 năm trở lại đây, các gói thầu mua sắm trang thiết bị phòng học thông minh do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Thuận mời thầu thường bị phản ánh về một số tiêu chí gây hạn chế nhà thầu tham dự. Mặc dù mỗi lần đấu thầu có ít nhất 3 nhà thầu tham dự, nhưng hầu hết bị loại từ vòng đánh giá kỹ thuật hoặc thương thảo không thành công.
07 18
Gói thầu Mua sắm các thiết bị trang bị phòng học thông minh cấp tiểu học phục vụ năm học 2023 – 2024 đưa ra các thông số kỹ thuật chỉ định thương hiệu cụ thể. Ảnh minh họa: NC st
Sở GD&ĐT Ninh Thuận vừa công khai kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Mua sắm các thiết bị trang bị phòng học thông minh cấp tiểu học phục vụ năm học 2023 – 2024 thuộc Dự toán kinh phí sự nghiệp GD&ĐT tại Quyết định 945a/QĐ-SGDĐT ngày 29/12/2022 của Sở GD&ĐT. Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ PTV (địa chỉ tại TP.HCM) trúng thầu với giá 6,922 tỷ đồng. Công ty CP Thương mại Visnam (giá dự thầu 5,789 tỷ đồng), Công ty TNHH Thiết bị trường học Phục Hưng (giá dự thầu 4,888 tỷ đồng) đều đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật nhưng thương thảo hợp đồng không thành công. Phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với Bên mời thầu để tìm hiểu lý do thương thảo không thành công nhưng cán bộ của Bên mời thầu đưa ra lý do bận họp, chưa cung cấp thông tin về vấn đề này.

Theo tìm hiểu, trong quá trình mời thầu, một nhà thầu đã có văn bản đề nghị Bên mời thầu làm rõ và phản ánh có tiêu chí hạn chế cạnh tranh trong HSMT. Cụ thể, nhà thầu cho rằng, HSMT yêu cầu tài liệu chứng minh năng lực thực hiện hợp đồng của nhà thầu phải có giấy phép hoặc giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất, đại lý phân phối hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương. Yêu cầu này vi phạm quy định về đảm bảo cạnh tranh của Luật Đấu thầu và Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT.

Ngoài ra, Bảng yêu cầu thông số kỹ thuật của hàng hóa (tại Chương V) đưa ra các thông số kỹ thuật, công nghệ chỉ định thương hiệu sản phẩm AHA, ví dụ: công nghệ cảm ứng Ultra Slim IR – 43 chức năng chính bảng AHA hỗn hợp gồm: công nghệ DICOM hỗ trợ (hình ảnh kỹ thuật số), phần mềm được cập nhật toàn cầu qua mạng thông qua server của AHA tại Hàn Quốc với FOTA – dữ liệu lưu qua CLOUD IES… Một số tiêu chí mang thông số, kích thước cụ thể, cố định…

Phản hồi đề nghị làm rõ của nhà thầu, đơn vị tư vấn mời thầu (Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Tư vấn Sài Gòn Mới) cho biết, thiết bị trang bị phòng học thông minh là thiết bị chuyên dùng được quy định tại 2 văn bản của UBND tỉnh Ninh Thuận (Quyết định số 47/2020/QĐ-UBND ngày 4/11/2020 ban hành danh mục, tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc thiết bị chuyên dùng tại các cơ sở giáo dục và đào tạo tỉnh Ninh Thuận; Quyết định số 36/2022/QĐ-UBND ngày 21/7/2022 bổ sung danh mục thiết bị chuyên dùng thuộc phụ lục kèm theo Quyết định số 47/2020/QĐ-UBND). Do đó, hàng hóa mời thầu không thuộc nhóm hàng hóa thông dụng, đơn giản nên không bị cấm yêu cầu giấy phép hoặc giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất… Ngoài ra, việc mô tả thông số kỹ thuật tại Chương V là tối thiểu hoặc tương đương, nhà thầu có thể lựa chọn sản phẩm khác có tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng tối thiểu theo yêu cầu của HSMT.

Theo chuyên gia đấu thầu, về nguyên tắc, HSMT không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalogue của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương”, đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Cụm từ “tương đương” được hiểu là tương đương về chất lượng, kỹ thuật. Việc HSMT đưa ra yêu cầu tương đương tới cả kích thước cụ thể, chi tiết sẽ khiến nhà thầu khó tìm được hàng hóa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, việc coi thiết bị chuyên dùng là loại đặc chủng, có kỹ thuật, công nghệ phức tạp để yêu cầu giấy phép bán hàng hoặc giấy ủy quyền bán hàng là chưa chính xác.

Tháng 1/2023, Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ PTV trúng Gói thầu Phòng học thông minh cấp tiểu học thuộc Dự toán kinh phí sự nghiệp giáo dục trong dự toán chi ngân sách tỉnh năm 2022 tại bên mời thầu nêu trên với giá trúng thầu 11,4 tỷ đồng. Gói thầu có 2 nhà thầu bị loại vì không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm.

Trong quá trình mời thầu, Gói thầu cũng nhận được yêu cầu làm rõ HSMT. Nhà thầu cho rằng, HSMT yêu cầu màn hình 65 inch cảm ứng có các chứng nhận CB, CE, RoSH, FCC, NRTL, KC (thể hiện sự tuân thủ các yêu cầu về an toàn sản phẩm của Hàn Quốc đối với thiết bị điện và điện tử), PSE (hệ thống tiếp cận thị trường bắt buộc đối với thiết bị điện tại Nhật Bản)… Đây là những chứng nhận áp dụng riêng cho thị trường nước ngoài, không phù hợp với thị trường Việt Nam.

Trước đó, từ năm 2019 – 2021, Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ PTV trúng 3 gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục tại Ninh Thuận, gồm: Gói thầu Hệ thống trình chiếu cấp học tiểu học, trung học cơ sở phục vụ năm học 2021 – 2022 thuộc Dự toán kinh phí sự nghiệp giáo dục năm 2021 (giá trúng thầu 10,08 tỷ đồng); Gói thầu số 3 Hệ thống trình chiếu thuộc Dự toán mua sắm năm 2020 (giá trúng thầu 15,694 tỷ đồng, liên danh với Công ty CP Quốc tế MBA); Gói thầu số 3 Hệ thống trình chiếu trang bị cho các cơ sở giáo dục công lập cấp trung học thuộc Dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận (giá trúng thầu 2,416 tỷ đồng).

https://baodauthau.vn/mua-sam-trang-thiet-bi-giao-duc-tai-ninh-thuan-bi-phan-anh-tieu-chi-bat-cap-ai-trung-thau-post149256.html