Advertisement 1a
Mối liên kết Techcombank, Masterise Group với Setra và Quang Thuận trong đại án Vạn Thịnh Phát – Tạp chí Kinh tế quốc tế

0918618839

Mối liên kết Techcombank, Masterise Group với Setra và Quang Thuận trong đại án Vạn Thịnh Phát

Đại án Vạn Thịnh Phát đang được các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, làm rõ. Nhưng điều mà dư luận quan tâm trong vụ án này là mối quan hệ “đan xen” giữa Vietcombank, Techcombank, Masterise Group với Setra và Quang Thuận. Theo đó, phần lớn những pháp nhân này hoạt động đều được hệ sinh thái của Techcombank đứng ra thu xếp vốn, sau đó chính Masterise Group (pháp nhân thân tín với Techcombank) lại là bên phát triển dự án của Setra và Quang Thuận.


Hệ sinh thái Techcombank đã nhiều lần đứng ra thu xếp hàng chục nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu cho nhiều doanh nghiệp trong đại án Vạn Thịnh Phát (Ảnh minh họa, nguồn ảnh: Internet).

 

Mối liên kết Techcombank, Masterise Group với Setra và Quang Thuận

 

Mới đây, Công ty Cổ phần Dịch vụ – Thương mại TP. HCM (Setra) đã phát đi thông báo về việc không thể trả lãi với trái chủ, do công ty đang bị cơ quan điều tra phong tỏa tất cả tài khoản ngân hàng và các tài sản khác do liên quan đến đại án Vạn Thịnh Phát.

 

Quay lại quá khứ, vào thời điểm ngày 10/07/2020, Setra và Công ty TNHH Capitaland Tower đã ký Hợp đồng Thỏa thuận đặt cọc số 01/TTĐC/STR-CTC để nhận chuyển nhượng công trình tòa nhà văn phòng, thương mại, dịch vụ Khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son (The Sun Tower), có diện tích 6.042m2.

 

Cũng trong ngày 10/07/2020, Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận (Công ty Quang Thuận) đã ký Thỏa thuận đặt cọc nhận chuyển nhượng “diện tích mục tiêu” tại khu đất 6.042m2 thuộc Khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son (The Sun Tower) từ Công ty TNHH Capitaland Tower, một tổ chức cũng có liên quan đến Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư. Dự án này còn có tên thương mại là The Sun Tower, được UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 5281/QĐ-UBND ngày 06/10/2017.

 

Trong hai ngày 31/7/2020 và 1/8/2020, Setra đã phát hành thành công 31 lô trái phiếu với tổng giá trị 3.750 tỷ đồng. Điều đáng quan tâm là Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS – đơn vị thuộc hệ sinh thái của Techcombank) cũng là bên đứng ra đầu tư và thu xếp vốn cho thương vụ huy động vốn qua 31 lô trái phiếu của Setra.

 

 


TCBS với tư cách là đại diện người sở hữu 31 lô trái phiếu của Setra đứng ra thông báo.

 

Đến ngày 06/08/2020, Setra – Capitaland Tower đã thế chấp Hợp đồng thỏa thuận đặt cọc này tại Techcombank. Dư luận cho rằng, đây là tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu nói trên. Cùng ngày, Capitaland Tower cũng thế chấp Dự án The Sun Tower, bao gồm dự án được hình thành ở hiện tại hoặc trong tương lai tại Techcombank.

 

Điều mà dư luận quan tâm, đây cũng là tài sản mà Công ty Quang Thuận (đơn vị liên quan đến Vạn Thịnh Phát) thế chấp Thỏa thuận đặt cọc trên tại Techcombank cũng trong ngày 06/08/2020.

 

Tiếp sau đó, trong ngày 30/08/2020, Công ty Quang Thuận đã phát hành 60 lô trái phiếu với tổng trị giá 6.000 tỷ đồng, đáo hạn vào ngày 30/08/2025. Theo số liệu có được TCBS cũng là bên đứng ra thu xếp vốn cho nhiều lô trái phiếu của thương vụ. Hiện tại những lô trái phiếu của Công ty Quang Thuận đang được lưu ký tại TCBS. Những thông tin trên phần nào khẳng định những đồn đoán của thị trường trước đó về việc Techcombank là bên nhận tài sản đảm bảo của những lô trái phiếu.

 


TCBS thông báo kết quả định giá tài sản đảm bảo của các lô trái phiếu của Công ty Quang Thuận, được TCBS là bên đứng ra phát hành.

 

Ở diễn biến khác, thỏa thuận đặt cọc nhận chuyển nhượng dự án giữa Setra – Capitaland Tower và Quang Thuận – Capitaland đều diễn ra cùng ngày. Những thông tin trên không khỏi đặt ra những dấu hỏi về mối quan hệ giữa Quang Thuận – Setra, Setra – Vạn Thịnh Phát, cũng như những ẩn số về chủ mới của 8 lô đất tại Khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son. Một kịch bản có thể xem xét trong trường hợp này là Setra và Quang Thuận đã âm thầm sáp nhập hoặc Setra đã nắm quyền chi phối tại Quang Thuận.

 

Ông Jason Turnbull, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Masterise Homes phát biểu tại lễ động thổ Dự án The Sun Tower ngày 22/03/2022.

 

Dự án The Sun Tower – tòa nhà văn phòng thương mại nằm trong quy hoạch tổng thể của khu phức hợp bất động sản hàng hiệu Grand Marina Saigon, đã được Masterise Homes thành viên của Masterise Group tổ chức động thổ vào ngày 22/03/2022 và Masterise Homes được giới thiệu là bên phát triển dự án.

 

Setra và Quang Thuận là ai?

 

Setra được thành lập từ năm 1999, đầu tháng 3/2014, công ty tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 1.900 tỷ đồng. Thời điểm này, ông Đinh Ngọc Tú là người đại diện theo pháp luật của công ty.

 

Tháng 10 cùng năm, Setra có phát sinh hợp đồng thuê mặt bằng 1.700m2 tại tòa nhà Union Square (53 Lê Thánh Tôn – 171 Đồng Khởi – 6A Lê Lợi – 116 Nguyễn Huệ) với Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Tương Lai. Union Square là một trong những tòa nhà thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

 

Ngoài ra, Setra còn được biết tới nhiều hơn với vai trò trong Công ty Liên doanh TNHH Vietcombank – Bonday – Bến Thành (VBB). Doanh nghiệp này là thành quả của liên doanh giữa ngân hàng Vietcombank – Setra và Bonday Investments Ltd (Hongkong) với tỷ lệ góp vốn lần lượt là 52%, 18% và 30%.

 

Đến giữa năm 2016, Setra cũng dời trụ sở về tòa nhà Vietcombank. Về phía Capitaland Tower, doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 04/04/2016 với vốn điều lệ 4,48 tỷ đồng (200.000USD), có trụ sở tại lầu 7, tòa nhà Vista, 628 C Xa lộ Hà Nội, quận 2, TP. HCM.

 

Khi mới thành lập, Capitaland Tower thuộc quyền quản lí của CVH Cayman Holdings Limited, pháp nhân được thành lập vào cuối tháng 6/2008 và có trụ sở chính tại thiên đường thuế Cayman Islands. Đến giữa tháng 09/2016, Capitaland Tower tăng vốn lên gần 1.609 tỷ đồng, tương đương hơn 72 triệu USD.

 

Cuối tháng 2/2019, cổ đông của Capitaland Tower có nhiều sự thay đổi. Cụ thể, CLV Investment 6 Limited sở hữu 98% vốn, phần còn lại chia đều cho hai cổ đông Huỳnh Diệu Xương và Ngô Ngọc Hưng.

 

Không lâu sau đó, người đại diện theo pháp luật của Capitaland Tower do ông Ngô Văn An phụ trách. Ông Ngô Văn An còn được biết đến là nhân sự lãnh đạo bộ phận phát triển dự án thuộc Công ty Sunny World của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

 

Là nhân vật bí ẩn thâu tóm đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng của Sabeco, ông Ngô Văn An còn đứng tên của hàng loạt doanh nghiệp nghìn tỷ mà cổ đông là những doanh nhân có quốc tịch nước ngoài và có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ông Ngô Văn An đã từng hoặc đang là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật của 8 công ty có nguồn gốc từ Hồng Kông gồm: Công ty TNHH BĐS Đức Khải 1; Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Tương lai; Công ty Cổ phần Đầu tư Mê Linh Square; Công ty Cổ phần Đức Khang; Công ty Cổ phần đầu tư Trade Wind; Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Hill; Công ty TNHH Quản lý tài sản và Bất động sản Alpha King; Công ty Cổ phần Quản lý Phát triển Dự án Đông Sài Gòn.

 

Trong số đó, nhiều công ty do ông Ngô Văn An đại diện như Công ty TNHH Quản lý tài sản và Bất động sản Alpha King, Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Hill đều có trụ sở tại số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM (tòa nhà Vạn Thịnh Phát).

 


TCBS khá mạnh tay khi đứng ra thu xếp nhiều thương vụ trái phiếu lên tới nhiều chục nghìn tỷ đồng cho những doanh nghiệp trong vụ án Vạn Thịnh Phát.

 

Công ty Quang Thuận được thành lập vào tháng 03/2001. Ngoài Tổng Giám đốc Lâm Ngọc Đan Thi, cổ đông sáng lập của Quang Thuận còn có: Mohamed Lâm Minh Thông, Trần Thị Mai Trinh, Ngô Thanh Lan, Đặng Trịnh Thanh Phương, Nguyễn Văn Sa.

 

Phần lớn những cổ đông này còn nắm nhiều cổ phần tại các doanh nghiệp bất động sản có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đơn cử như bà Lâm Ngọc Đan Thi sở hữu gần 45% vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World, bà Đặng Trịnh Thanh Phương nắm 60% vốn tại Công ty Cổ phần Thiết kế và Trang Trí Nội thất Norah.
Đầu tháng 03/2014, Quang Thuận công bố tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Đồng thời, chi nhánh của công ty được dời từ Trung tâm Lucky Plaza (38 Nguyễn Huệ) về tòa nhà Vạn Thịnh Phát tại số 193-203 Trần Hưng Đạo.

 

Không lâu sau đó, các cổ đông họ Trương và người liên quan cũng xuất hiện: Trương Mễ (4,82%), Trương Chí Trung (1,45%), Lâm Thị Hòa (1,45%), Trương Lập Hưng (0,96%), Trương Huệ Vân (0,96%). Được biết, Trương Mễ, Trương Chí Trung và Lâm Thị Hòa đều là cổ đông của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (5%).

 

Bà Trương Huệ Vân sinh ngày 21/03/1988 tại thành phố Hồ Chí Minh. Bà là người Việt gốc Hoa, cháu gái của Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan. Bà Vân là thế hệ thứ tư của gia tộc họ Trương. Năm 2022, bà Vân bị bắt cùng bà Trương Mỹ Lan trong đại án Vạn Thịnh Phát, trước khi bị bắt, bà Trương Huệ Vân được giới kinh doanh rất ngưỡng mộ bởi khả năng lãnh đạo tài giỏi và đứng tên cho 35 doanh nghiệp liên quan đến Vạn Thịnh Phát, với tổng quy mô vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, bà nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ tháng 8/2020.

 

Từ những thông tin trên cho thấy, mối liên kết khá phức tạp giữa giữa Vietcombank, Techcombank, Masterise Group với Setra và Quang Thuận trong đại án Vạn Thịnh Phát. Hiện vụ án Vạn Thịnh Phát đang được cơ quan điều tra làm sáng tỏ, dư luận đang mong chờ kết quả điều tra của cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ trả lời được mối liên kết phức tạp nêu trên.

 

https://kythuatchonghanggia.vn/gian-lan-thuong-mai/bai-10-moi-lien-ket-techcombank-masterise-group-voi-setra-va-quang-thuan-trong-dai-an-van-thinh-phat-16990