Advertisement 1a
Gốm Biên Hòa: Hồn gốm Nam Bộ xưa – Tạp chí Kinh tế quốc tế

Gốm Biên Hòa: Hồn gốm Nam Bộ xưa

Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, gốm Biên Hòa là một thương hiệu lớn với các sản phẩm gốm của Trường dạy nghề Biên Hòa tham dự triển lãm quốc tế tổ chức tại Paris năm 1925 đã từng vang danh trên “thị trường gốm” thế giới.


Gốm Biên Hòa vang danh một thời

Từng có một thời kỳ phát triển khá rực rỡ, gốm quý Biên Hòa đã sớm trở thành một trong những sản phẩm tiểu biểu của dòng gốm Nam Bộ. Theo tư liệu triển lãm Mỹ thuật, gốm mỹ nghệ Biên Hòa khởi đầu từ trường Dạy nghề Biên Hòa, được thành lập năm 1903 nhưng tới năm 1906 mới tuyển sinh Ban gốm bởi ông hiệu trưởng Lamorte. Đến năm 1923 Chính phủ Pháp bổ nhiệm ông Balick làm Hiệu trưởng chính thức, chấm dứt việc Chánh tham biện tỉnh làm hiệu trưởng kiêm nhiệm.

Bà Balick, phu nhân của ông Lamorte làm phụ tá cho ông. Từ đó, bà Balick đã vạch hướng đi mới, dày công tìm tòi nghiên cứu, khai phá một hướng đi riêng cho Ban gốm này. Đó là sản phẩm gốm trang trí nhiều màu, chạm khắc chi tiết hoa văn đặc sắc, nhiều màu men lạ mắt tạo sắc thái riêng. Dùng nguyên liệu nội địa, như tro rơm, tro than củi, đất tràng thạch An Giang, vôi Vàn Long… làm men. Đất sử dụng là đất chịu lửa khai thác ở Tân Uyên, Chánh Lưu (Thủ Dầu Một)… Qua nhiều thử nghiệm, bà Balick tìm ra loại men tro làm màu trắng gọi là men ta. Với mạt đồng thu được trong xưởng làm đồ đồng, bà chế được màu xanh đồng rất đẹp. Với đá ong Biên Hòa, bà chế ra “men đá đỏ” đặc trưng… sản phẩm với men tro chịu nhiệt độ cao đốt bằng củi tạo ra sản phẩm có nhiều màu men hoả biến rất tinh tế. Bà Balick là người đã sản sinh ra dòng gốm Biên Hòa đầy bản sắc riêng và nổi tiếng ở Việt Nam.


Tác phẩm gốm Biên Hòa mô phỏng theo trống đồng Ngọc Lũ

Khoảng thời gian từ năm 1923 đến đầu những năm 1960 đánh dấu thời hoàng kim của gốm mỹ nghệ Biên Hòa. Năm 1933, nhận thấy gốm Biên Hòa của trường Mỹ nghệ Biên Hòa được người tiêu dùng ưa chuộng, trường đã thành lập hợp tác xã (HTX) Mỹ nghệ, thu nhận các học sinh tốt nghiệp làm thợ gốm. Chính từ HTX này gốm Biên Hòa đã được phổ biến rộng rãi và xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.
Đến năm 1950, sau khi ông bà Balick về Pháp, HTX Mỹ nghệ tách ra khỏi trường, trở thành các đơn vị sản xuất gốm tự lập, một số thợ của HTX trước kia về Tân Vạn, Bửu Hòa, Tân Thạnh, Hóa An (Đồng Nai) và thành lập các xưởng sản xuất gốm tại nhà, kể từ đó gốm Biên Hòa bước sang một giai đoạn mới và phát triển nhanh. Năm 1958 xưởng gốm Thành Lễ ra đời với sản phẩm có chất lượng cao. Năm 1960 chuyên gia Nhật Bản qua hướng dẫn kỹ thuật rót khuôn, gốm Biên Hòa bắt đầu sản xuất hàng loạt.

Sản phẩm gốm Biên Hòa rất phong phú về kiểu dáng, đa dạng về chủng loại, cân đối và hài hòa trong tạo hình. Đặc trưng nổi bật của trang trí gốm Biên Hòa là sự đa dạng, của nội dung các hoa văn trang trí. Kỹ thuật khắc chìm là một đặc trưng rõ nét nhất của nghệ thuật trang trí trên gốm ở đây. Chọn phương pháp khắc chìm và phối màu men trên sản phẩm là ưu thế để gốm Biên Hòa nhanh chóng khẳng định phong cách có tính độc lập trong sáng tạo và xu hướng riêng biệt.

Kỹ thuật chạm lộng (chạm thủng) của gốm Biên Hòa là kỹ thuật trang trí đặc biệt được áp dụng cho một số chủng loại sản phẩm như: Bình đèn, voi, đôn, chân đèn… Các màu men được phối hợp với nhau rất hài hòa trên một tổng thể đã được tính sẵn. Với đặc trưng là trang trí bằng các nét khắc, nên các mảng màu được phân định sẵn, rõ ràng không có việc lem qua lại giữa các màu. Tất cả các yếu tố nói trên đã nâng nghệ thuật trang trí gốm Biên Hòa vươn tới cái đẹp của sự hoàn thiện.

Một trong những dòng sản phẩm gốm Biên Hòa được ưa chuộng nhất là tượng. Tượng gốm được các nghệ nhân chú trọng khai thác, sáng tạo với tính mỹ thuật cao.

Giai đoạn phát triển mạnh của gốm mỹ nghệ Biên Hòa từ năm 1923 đến đầu những năm 1960. Nhiều lần sản phẩm gốm Biên Hòa tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế về mỹ thuật trang trí vào những năm 1925, 1932, 1934, 1938, 1942 tại Paris (Pháp), Nhật Bản, Indonesia…

Cùng với gốm Cây Mai (Sài Gòn) và gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm Biên Hòa đã tạo thành dòng gốm mang phong cách Nam Bộ, đánh dấu một giai đoạn phát triển lịch sử của nghệ thuật gốm tại miền Nam trong thời cận và hiện đại.

Xuân Mạnh

Theo https://langngheviet.com.vn/lang-nghe-nghe-nhan/doc-dao-nghe-moc-tan-phu.html30650