Advertisement 1a
Đào tạo, sát hạch lái xe: Cần khắc phục nhanh những lỗ hổng, vướng mắc – Tạp chí Kinh tế quốc tế

0918618839

Đào tạo, sát hạch lái xe: Cần khắc phục nhanh những lỗ hổng, vướng mắc

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định tại Hội nghị về việc tăng cường quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ.

 

Ngày 15/5, Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 05/CT-BGTVT về việc tăng cường quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ.

 

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, cả nước hiện có 371 cơ sở đào tạo, 154 trung tâm sát hạch lái xe ô tô. Bên cạnh những mặt làm được, công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, sai sót, tiềm ẩn một số nguy cơ vi phạm, tiêu cực.

 

Đào tạo sát hạch lái xe còn nhiều bất cập  (Ảnh: N.Huyền) 

 

Theo quy định, người học lái xe phải học lý thuyết, lái xe trong sân tập lái và lái xe trên đường. Hiện nay, thời gian đào tạo lái xe hạng B2 của ngành GTVT (168 giờ lý thuyết, 84 giờ học thực hành) dài hơn của ngành Quân đội (168 giờ lý thuyết, 38 giờ học thực hành), tương đương với Trung Quốc và dài hơn của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đức, Hoa Kỳ.

Theo ý kiến của nhiều địa phương, thời lượng học lý thuyết quá dài với nhiều môn học trùng lắp gây khó khăn, lãng phí cho người học. Đại diện Sở GTVT TP Hải Phòng cho rằng, cần có sự thay đổi khái niệm phân định người học lái xe và người học nghề lái xe.

Trên thực tế, tỷ lệ lớn người học để điều khiển phương tiện của gia đình chứ không phải học để làm nghề lái xe.

“Trong chương trình đào tạo hiện nay đánh đồng tất cả. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng môn học, thời gian của các môn học kéo dài”, đại diện Sở GTVT TP Hải Phòng cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Sở GTVT TP.HCM nêu ý kiến ghi nhận từ các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe phản ánh nhiều môn học trùng lặp, không phù hợp.

Ví dụ như môn “Cấu tạo sửa chữa thông thường” học viên sẽ phải học 18 giờ. Trong khi đó, xã hội ngày càng có sự chuyên môn hoá cao, xe hỏng đã có sẵn các dịch vụ cứu hộ.

Hay như môn “Nghiệp vụ vận tải” chiếm 16 giờ trong chương trình học. Vị lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, thống kê tại TP, 80% số người học lái xe không có nhu cầu kinh doanh vận tải. “Môn học này nên để cho các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng lao động trực tiếp đào tạo, có sự giám sát của cơ quan chức năng sẽ phù hợp hơn”, vị này thông tin.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, một số quy định về đào tạo, sát hạch lái xe hiện đang gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo và học viên.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam phát biểu tại hội nghị (Ảnh:N. Huyền) 

 

Trong đó bất cập đầu tiên được thể hiện trong quy định về đào tạo nằm ở phần lý thuyết. Hiện quy định 5 môn học trong đó có 18 giờ cho môn “Cấu tạo và Sửa chữa thông thường”.

“Chỉ với thời lượng 18 giờ như “cưỡi ngựa xem hoa”, người học hiểu được cũng đã là khó, không thể nói đến sửa chữa, kể cả sửa chữa vặt”, ông Quyền nói và cho rằng môn học này không nên áp dụng đại trà với tất cả các học viên học lái xe.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, nâng cao chất lượng, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong ngành vừa là nhiệm vụ xuyên suốt, vừa là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài.

Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng trong thời gian ngắn phải khắc phục nhanh nhất những lỗ hổng, vướng mắc trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe.

“Những quy định cứng nhắc, không phù hợp với thực tế dẫn đến việc các cơ sở đào tạo thực hiện không đúng. Chúng ta phải dám nhìn thẳng vào sự thật để sửa và thay đổi… ”, ông Cường nói.

 

Theo Vietnamnet