Advertisement 1a
Chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong xây dựng môi trường văn hóa ở cơ quan báo chí – Tạp chí Kinh tế quốc tế

Chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong xây dựng môi trường văn hóa ở cơ quan báo chí

Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện phát động và triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 979 về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại các địa phương do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn ra vào chiều 16/11 tại Hòa Bình.

 

Chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong xây dựng môi trường văn hóa ở cơ quan báo chí- Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội nghị – Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy văn hóa sức mạnh con người Việt Nam, trong đó có “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại” và thực hiện nội dung Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.

Bộ tiêu chí cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng và ban hành, gồm 12 điểm, trong đó có 6 điểm cho cơ quan báo chí và 6 điểm cho người làm báo, đã trở thành một trong những cơ sở quan trọng để chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan báo chí, người làm báo, góp phần xây dựng nền báo chí truyền thông nhân văn và hiện đại, bảo vệ giá trị văn hóa của dân tộc.

Báo cáo tại Hội nghị, Trưởng Ban Công tác Hội của Hội Nhà báo Việt Nam Vũ Thị Hà cho biết, qua 1 năm thực hiện phát động và triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, nhiều cơ quan báo chí, các cấp Hội đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.

Nhiều cơ quan báo chí đã xác định được vấn đề nổi cộm, cấp thiết để tập trung giải quyết như: Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp; chấn chỉnh việc phát ngôn không phù hợp trên mạng xã hội của một số rất ít nhà báo; phát huy vai trò người làm báo trong xây dựng nền nếp làm việc khoa học, trật tự, kỷ cương, phong cách ứng xử chuẩn mực, văn minh, văn hóa, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động báo chí.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Công tác Hội Vũ Thị Hà cũng nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện phong trào vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục như một số cấp Hội thực hiện phong trào thi đua vẫn mang tính hình thức, chưa hiện thực hóa phong trào vào hoạt động của đơn vị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai thực hiện xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí; việc phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, các Chi hội nhà báo, những cách làm hay, sáng tạo của các cấp Hội, cơ quan báo chí, người làm báo trong thực hiện phong trào; đề xuất những giải pháp đột phá để phong trào thi đua thực sự lan tỏa, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan báo chí và hoạt động của các cấp tổ chức Hội.

Phát biểu tại Hội nghị, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Nông thôn ngày nay) đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị và xúc động trong gần 30 năm tác nghiệp với tư cách phóng viên điều tra, không chỉ là những nỗ lực, đam mê và nhiệt huyết nghề nghiệp của một nhà báo tận hiến mà còn cả những trăn trở, giằng co, đấu tranh để chiến thắng chính bản thân trước vô vàn thách thức nhiều khi đến nghiệt ngã mới có thể giữ gìn đạo đức, văn hóa cũng như nhân cách, phẩm giá của một người cầm bút trung thực, luôn đứng về lẽ phải.

Tham luận của đại biểu các Hội Nhà báo tỉnh (Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ), Liên chi hội Nhà báo báo Quân đội nhân dân nêu ra nhiều cách làm, sáng kiến hay trong việc triển khai xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, cũng như nêu ra những kiến nghị, đề xuất với Hội Nhà báo Việt Nam để việc thực hiện phong trào thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Hội nghị cũng dành thời gian đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Quyết định 979/QĐ-HNBVN về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương, những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, sự phối hợp, gắn kết phóng viên thường trú với địa phương; việc nâng cao chất lượng sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú và những giải pháp, đề xuất, kiến nghị để tiếp tục đổi mới trong công tác quản lý hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương.

Trong 5 năm qua, Hội Nhà báo tỉnh, thành phố đã làm thủ tục tiếp nhận 1.021 hội viên phóng viên thường trú; chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền rà soát, nắm số lượng, danh sách trích ngang của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương.

 

Hải Hồng / Theo VGP